và phản hồi hơn rất nhiều so với những người thuộc nhóm Tư Duy Cố
Định. Nhưng điều thú vị hơn cả là cách các nhóm vận hành.
Thành viên trong nhóm Tư Duy Phát Triển thường hay bày tỏ các
quan điểm và bất đồng của mình một cách thẳng thắn hơn khi nhóm thảo
luận về các quyết định liên quan tới quản trị. Tất cả mọi người đều là một
phần của quá trình học hỏi. Ở các nhóm có Tư Duy Cố Định – với sự tập
trung vào việc ai thông minh, ai ngu dốt, hay nỗi lo ý tưởng bị từ chối –
những cuộc thảo luận mang tính xây dựng đã không xảy ra. Thay vào đó là
tư duy nhóm.
TƯ DUY NHÓM THAY VÌ THẢO LUẬN
Vào những năm đầu thập niên 70, Irving Janis bắt đầu phổ biến rộng rãi
thuật ngữ tư duy nhóm, chỉ trường hợp khi mọi người trong nhóm có xu
hướng nghĩ giống nhau. Không ai có ý kiến trái chiều. Không ai đứng lên
bảo vệ quan điểm. Điều này có thể dẫn tới những quyết định thảm họa, và
như nghiên cứu của Wood chỉ ra, nó thường tới từ một Tư Duy Cố Định.
Tư Duy Nhóm có thể xảy ra khi mọi người cùng đặt chung một
niềm tin vô hạn vào một người thủ lĩnh tài năng, một thiên tài. Đây là điều
đã dẫn tới cuộc xâm lược thất bại Bay of Pigs – kế hoạch bí mật không trọn
vẹn của Mỹ nhằm xâm lược Cuba và hạ bệ Castro. Các chuyên viên tư vấn
tài ba của tổng thống Kennedy đã trì hoãn việc nêu lên quan điểm của
mình. Tại sao? Vì họ nghĩ ông ấy xuất chúng, và mọi thứ ông làm chắc
chắn sẽ thành công.
Theo Arthur Schlesinger, một nhân viên nội bộ, những người thân
cận Kennedy có một niềm tin vô điều kiện vào năng lực và may mắn của
ông. “Mọi thứ như được sắp xếp theo ý ông ta từ năm 1956. Ông đã giành
được chiến thắng trong cuộc bầu cử dù khả năng điều đó xảy ra là rất ít.