NGƯỜI LÃNH ĐẠO: SINH RA HAY ĐƯỢC TẠO RA?
Khi Warren Bennis phỏng vấn những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất, “Tất
cả bọn họ đều đồng ý rằng người lãnh đạo giỏi được tạo ra, không phải sinh
ra, và được tạo ra bởi chính bọn họ hơn là bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào
khác”. Bennis cũng đồng ý với điều này: “Tôi tin rằng… mọi người, bất kể
lứa tuổi hay hoàn cảnh, đều có năng lực thay đổi bản thân”. Không phải ai
cũng sẽ trở thành người lãnh đạo. Tiếc thay, phần lớn những nhà quản lý và
thậm chí CEO trở thành sếp, chứ không phải người lãnh đạo. Họ lạm dụng
quyền lực của mình thay vì thay đổi bản thân, nhân viên và tổ chức của họ.
Tại sao lại xảy ra điều này? John Zenger và Joseph Folkman chỉ ra
rằng phần lớn mọi người, khi họ mới trở thành người quản lý, sẽ bước vào
một giai đoạn học tập miệt mài. Họ có rất nhiều buổi đào tạo và hướng dẫn,
họ chào đón các ý tưởng, họ nghĩ sâu và lâu về cách làm việc cho thật tốt.
Họ tìm cách để phát triển. Nhưng khi họ đã học được những gì căn bản
nhất, họ lại không tiếp tục học tập thêm nữa. Họ nghĩ rằng việc đó quá
phiền phức, và họ cũng không thấy được giá trị của nó. Họ hài lòng với
những gì họ đang làm thay vì cố gắng biến bản thân thành một người lãnh
đạo đúng nghĩa.
Hay, như Morgan McCall nói, rất nhiều tổ chức tin vào tài năng
bẩm sinh và không thèm để mắt tới những người có tiềm năng phát triển.
Các tổ chức như vậy không những bỏ lỡ cơ hội có được những nhà lãnh
đạo tương lai, mà niềm tin vào năng khiếu của họ còn làm thui chột chính
những người họ gọi là “thiên tài” ấy, làm cho họ trở nên kiêu căng hơn,
lười học hỏi hơn. Bài học ở đây là: Tạo ra một tổ chức đề cao sự phát triển
năng lực – những người lãnh đạo thực thụ rồi sẽ xuất hiện thôi.