hay xảy ra mà. Nhưng nó cứ tiếp diễn. Hàng ngày, những người kia cứ đi
theo bạn, chế giễu bạn, mỉa mai về quần áo hay vẻ bề ngoài của bạn, nói
bạn là đồ kém cỏi – trước mặt mọi người. Hàng ngày.
Sau đó chúng tôi yêu cầu các học sinh lớp 8 này viết về những gì
chúng nghĩ và những gì chúng sẽ làm hay muốn làm.
Đầu tiên, những học sinh có Tư Duy Cố Định bị ảnh hưởng khá sâu
sắc bởi việc này. Chúng nói “Cháu sẽ nghĩ cháu là không-ai-cả, và cũng
không ai thích cháu.” Hay “Cháu sẽ nghĩ cháu thật ngu ngốc và kỳ dị và
không hợp nơi này.”
Sau đó chúng muốn trả thù bằng bạo lực, nói rằng chúng sẽ trút hết
giận dữ vào những người kia, đấm vào mặt chúng, hay cán xe lên chúng.
Những học sinh này cực kỳ đồng ý với câu nói “Mục tiêu số một của cháu
là trả thù.”
Chúng đã bị những kẻ hà hiếp kia phán xét, và giờ tới lúc chúng là
người phán xét. Và đó chính là điều mà Eric Harris và Dylan Klebold, hai
tay súng ở Columbine, đã làm. Chúng phán xét lại. Trong nhiều giờ, chúng
quyết định xem ai đáng được sống và ai phải chết.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, những học sinh có Tư Duy Phát
Triển không coi những lần bị bắt nạt là những lần để đánh giá bản thân
chúng. Thay vào đó, chúng coi đó là những vấn đề tâm lý mà những kẻ bắt
nạt đang gặp phải, là cách để những kẻ này cố kiếm chút địa vị hay lấy lại
sự tự tin: “Cháu sẽ nghĩ lý do mà bạn ấy làm phiền cháu có lẽ là vì bạn ấy
gặp vấn đề gì đó ở nhà hay bị điểm kém ở trường”. Hoặc “Các bạn ấy nên
làm việc gì đó có ý nghĩa hơn – thay vì cố làm cháu cảm thấy tệ hại để các
bạn ấy cảm thấy tốt hơn.”