hiện sự thiên tài của cô DeLay – khích lệ được mọi người phát triển hết
tiềm năng của mình… Có rất ít giáo vien có thể thực sự khiến bạn nỗ lực
hết khả năng của mình. Cô DeLay làm được điều đó. Cô luôn tạo ra thử
thách cho bạn, nhưng cũng đồng thời cho bạn cảm thấy bạn đang được nuôi
dưỡng”
CHĂM CHỈ, CHĂM CHỈ, CHĂM CHỈ
Nhưng liệu thử thách và tình yêu thương đã đủ chưa? Không hẳn. Mọi giáo
viên giỏi đều dạy họ sinh cách để đạt được những tiêu chuẩn cao ấy.
Collins và Esquith không đơn giản là đưa cho học sinh một danh sách phải
đọc và chúc chúng may mắn. Học sinh của Collins đọc và thảo luận từng
câu trong Macbeth trên lớp. Esquith dành hàng giờ liền để lên giáo án xem
học sinh sẽ đọc chương nào ở lớp. “Tôi biết đứa nào sẽ vượt qua được thử
thách ở những đoạn văn khó nhất, và tôi cũng cẩn thận sắp xếp một đoạn
cho những đứa nhút nhát… những người sẽ bắt đầu quá trình trở thành một
người đọc giỏi. Tôi không để mọi thứ xảy ra ngẫu nhiên… Việc sắp xếp ấy
tốn rất nhiều năng lượng, nhưng điều đó rất đáng công sức khi được ở trong
một lớp với những đứa trẻ chịu lắng nghe từng từ trong những quyển sách
kinh điển, và thậm chí còn xin nghe thêm nếu tôi dừng đọc.”
Trong quá trình đó, những giáo viên này đã dạy cho học sinh điều gì
nữa? Họ dạy cho chúng lòng yêu thích việc học, cách tự thân vận động, và
cách nắm vững những kiến thức nền tảng. Lớp của Esquith thường hẹn
nhau trước giờ học, sau giờ học, và cả trong những ngày nghỉ để cùng ôn
thật chắc những nền tảng trong môn tiếng Anh và Toán, nhất là khi các bài
tập ngày càng trở nên khó hơn. Phương châm của ông là: “Không có đường
tắt”. Collins hưởng ứng với phương châm đó khi cô nói với các học sinh:
“Không có phép màu nào cả. Cô cũng không phải là pháp sư. Cô không đi
trên mặt nước, cô không rẽ biển ra làm hai. Cô chỉ yêu trẻ em và chăm chỉ
hơn rất nhiều người khác, và các con cũng sẽ làm điều tương tự.”