DeLay mong đợi rất nhiều từ học sinh của cô, nhưng cô cũng chỉ
dẫn chúng tới những kỳ vọng ấy nữa. Rất nhiều học sinh bị bế tắc với cái
suy nghĩ về tài năng, và nó làm chúng sản sinh ra Tư Duy Cố Định. Nhưng
DeLay đã mổ xẻ định nghĩa về tài năng. Một học sinh khăng khăng rằng
cậu bé không thể chơi một bản nhạc nhanh được như Itzhak Perlman. Vì
vậy cô không cho cậu bé nhìn vào máy đánh nhịp cho tới khi cậu bé làm
được điều đó. “Tôi biết chắc rằng nếu cậu bé cứ nhìn vào máy đánh nhịp,
thì khi cậu gần đạt tới được nhịp cần chơi, cậu sẽ tự nói với bản thân rằng,
mình sẽ không thể chơi nhanh được như Itzhak Perlman, và sẽ tự bỏ cuộc.”
Một học sinh khác lại cảm thấy bị chùn bước bởi những âm thanh
rất đẹp được chơi bởi những nghệ sĩ violin tài năng. “Chúng tôi đang sửa
các nốt âm của tôi, và khi nghe một âm mà tôi chơi, cô DeLay dừng tôi lại
và nói, ‘Nào, âm đó nghe rất hay đấy’”. Sau đó cô giải thích cách mọi nốt
đều phải có phần mở đầu, phần giữa, và phần kết thúc thật tốt và dẫn tới nốt
tiếp theo. Và rồi cậu bé ấy nghĩ “Ồ! Nếu mình có thể làm được điều đó ở
khúc này, mình có thể làm lại như vậy ở mọi khúc khác.” Bỗng nhiên,
những âm thanh của Perlman trở nên rõ ràng hơn và không còn là thứ gì đó
trừu tượng, khó hiểu nữa.
Khi học sinh không biết làm điều gì đó mà những đứa trẻ khác làm
được, khoảng cách giữa bọn chúng dường như xa hơn. Một số nhà giáo dục
cố trấn an học sinh rằng trình độ của chúng như vậy là cũng ổn rồi. Những
giáo viên có Tư Duy Phát Triển nói với học sinh sự thật, và sau đó cho
chúng công cụ để khép lại khoảng cách. Như Marva Collins nói với một
cậu bé suốt ngày nghịch ngợm trong lớp, “Con đã lớp 6 rồi mà điểm đọc
của con chỉ có 1.1 Cô không giấu điểm của con. Cô nói điểm của con cho
con biết để con biết con phải làm gì. Giờ thì những ngày bông đùa của con
kết thúc rồi được rồi đấy.” Và rồi họ cùng nhau học tập và phát triển.
NHỮNG HỌC SINH CÁ BIỆT