bất thành văn giữa các nhà giáo dục bây giờ là họ thậm chí còn không được
nhắc tới (hay nghĩ tới) Tư Duy Cố Định trong bất kì lĩnh vực nào. Và một
hiệu trưởng cũng nói với tôi rằng gần đây ông vừa phải đưa ra những gợi ý
rất nhỏ tới một giáo viên khi cô ấy nhìn ông giận dữ và nói “Ngài đang ám
chỉ là tôi có một Tư Duy Cố Định đấy à?”
Mặc dù, để cho đơn giản, tôi đã nói kiểu một số người có Tư Duy
Phát Triển, một số người lại có Tư Duy Cố Định, nhưng thực tế, tất cả
chúng ta đều là hỗn hợp của cả hai lối tư duy. Không việc gì phải phủ nhận
điều đó. Đôi khi chúng ta ở trong lối tư duy này, lúc khác ta lại có tư duy
khác. Nhiệm vụ của chúng ta là hiểu điều gì làm kích hoạt Tư Duy Cố
Định. Những sự việc hay tình huống nào đưa chúng ta tới một nơi mà
chúng ta cảm thấy những năng lực của chúng ta (hay của những người
khác) là cố định? Sự việc hay tình huống nào đẩy chúng ta tới một nơi của
sự phán xét hơn là sự phát triển?
Điều gì sẽ xảy ra những lúc chúng ta rơi vào Tư Duy Cố Định – một
“con người khác” của chúng ta cảnh báo rằng phải tránh những thử thách
và tự dằn vặt bản thân mỗi khi chúng ta thất bại? ‘Con người ấy” làm
chúng ta cảm thấy thế nào? Chúng ta nghĩ gì và chúng ta hành động thế
nào? Những suy nghĩ, cảm xúc, và hành động ấy ảnh hưởng tới chúng ta và
những người xung quanh ra sao? Và, quan trọng nhất, là chúng ta có thể
làm gì để giữ cho ‘con người ấy’ khỏi làm gián đoạn sự phát triển của
chúng ta và con cái chúng ta? Chúng ta có thể thuyết phục ‘con người có
Tư Duy Cố Định’ ấy cùng chung chí hướng tới những mục tiêu đến từ Tư
Duy Phát Triển của chúng ta không?
Tôi sẽ trả lời những câu hỏi này ở chương cuối khi chúng ta mổ xẻ
quá trình thay đổi của một cá nhân. Điều tôi đang muốn nhấn mạnh ở đây
là đây là một cuộc hành trình dài, đòi hỏi sự quyết tâm và bền bỉ. Nhưng
một khi chúng ta biết được rằng tất cả chúng ta đều ít nhiều có Tư Duy Cố
Định, chúng ta có thể trao đổi với những người khác một cách cởi mở.