dù nó nằm ngay ở bên trong tôi”. Trong bộ tiểu thuyết khổng lồ
Karnaval từ đầu những năm 1950 hay bộ tiểu luận đồ sộ ba tập Patmos
được viết trong vòng bảy năm (1959-1966) đến công trình triết học
Minh triết thiêng liêng, ta thấy thấm đẫm những trải nghiệm nội tâm:
vẫn đứng vững trong nỗi cô đơn cùng cực, đúng như tên gọi Patmos,
nơi vị tông đồ là Thánh Joan bị lưu đày -Hamvas cũng có hòn đảo
Patmos trong nội tâm mình để từ nó ngắm nhìn lịch sử và cả những gì
có trước và nằm bên ngoài lịch sử. Với Hamvas, kinh nghiệm nội tâm
không phải là sự chiếm hữu mà là tham dự, hay đúng hơn, là “đắm
mình” vào trong cái nền tảng - được Parmenides gọi là Tồn tại, như là
cái nền tảng của tất cả: không có ranh giới và không lấy cái tồn tại
riêng lẻ nào khác làm nền tảng (cái Ungrund/vô căn) theo cách gọi của
Jacob Böhme.
Nhóm Đảo, cùng thời với những Heidegger, Jaspers, Berdyaev...,
tự hỏi đâu là những nguồn cội tinh thần nay tuy không còn hiển hiện,
nhưng ở bề sâu, vẫn còn đầy sức sống, có thể được tiếp cận và khai
quật cho yêu cầu khắc phục khủng hoảng của hiện tại. Theo cách nhìn
của Hamvas, “hiện tại-khải huyền” tiền giả định một “thời hoàng kim”,
nơi đó ta có thể tìm thấy “hình ảnh nguyên thủy” (Urbild), theo nghĩa
đích thực là meta ta physica: phía bên kia hay phía sau giới tự nhiên.
Điều kiện cần cho nhận thức về cái “nguyên tượng” ấy không gì khác
hơn là sự tỉnh thức vừa nói trên đây.
Trong rất nhiều trường hợp, như Heidegger, Jaspers, Hamvas
Béla..., việc đi tìm cái “nguyên tượng” ấy không nhằm thỏa mãn trí tò
mò hay thể hiện sự uyên bác sử học, mà là lựa chọn cá nhân như điểm
xuất phát mang đậm tính triết học. Trong bối cảnh phức tạp của thế giới
như một “ngôi làng toàn cầu” hiện nay, vấn đề này càng mang tính thời
sự và cần được tiếp thu, phát triển trong bối cảnh rộng lớn của cuộc đối
thoại liên-văn hóa cũng như trước thách thức của “sự xung đột giữa các
nền văn minh” trong quan niệm gây nhiều tranh cãi của Samuel. P.
Huntington. Trong khuôn khổ hạn hẹp của Lời giới thiệu, trước hết,
chúng ta thử lược qua quan niệm của Karl Jaspers về “Thời Trục” như