Một cách nhìn lưỡng phân, đen trắng rạch ròi về “Thời Trục” dễ dẫn
đến yêu sách tuyệt đối của mỗi bên. Nếu xem nhẹ sự khác biệt và tuyệt
đối hóa sự tương đồng, ta sẽ rơi vào cách lí giải nặng tính “ý hệ”.
Ngược lại, tuyệt đối hóa sự khác biệt sẽ cản trở diễn ngôn và đối thoại.
Cuộc đối thoại liên-văn hóa, nếu có, ắt phải chấp nhận một phiên bản
“mềm” về sự đồng thuận: sự đồng thuận là lí tưởng vươn tới, nhưng
không nên đòi hỏi và vội vã khẳng định, nhất là trong bối cảnh đầy
xung đột của thế giới ngày nay. Tất nhiên, cần phân biệt hai hình thức
của tuyệt đối hóa: hướng ngoại và hướng nội. Tuyệt đối hóa hướng
ngoại xem mình là độc quyền chân lí, mặc nhiên xem các cách nhìn
khác là sai lầm. Ở đây cần hơn hết lẽ phải của sự khoan dung: con
đường của tôi là đúng, nhưng con đường của bạn không vì thế mà nhất
thiết phải là sai! Mặt khác, lại nên đề cao yêu sách tuyệt đối hướng nội:
vững tín vào xác tín của mình, không cần nhân nhượng hay tương đối
hóa, đồng thời tôn trọng sự xác tín của người khác. Một “phương pháp
luận” trong đối thoại liên-văn hóa là cần thiết: giữ vững niềm tin,
nhưng không gây ra xung đột. “Tranh minh” không nhất thiết phải
thành “tranh thắng”, một thông điệp hiền minh, ẩn mật của “Thời
Trục”?
BVNS
Xuân Bính Thân, 2016