Rốt cuộc đây cũng chỉ là hai từ ngữ. Hai trích dẫn sau của thời kì
này sẽ giải thích rõ hơn.
Trích dẫn thứ nhất từ cuốn Zend Avesta, như sau:
“Thế là Dzsamsid xây dựng một vương quốc rộng lớn, đặt tên là
Ver, rồi làm cho thành phố, đồng ruộng, rừng cây đầy ngập gia súc,
con người, gà lợn, chó, và mang đến đây lửa cháy đỏ bập bùng, mang
hạt giống, cây trồng và thức ăn để nuôi dưỡng cho các sinh vật sống.
Nước tràn đầy trên các suối nguồn và tường thành cao ngất vây xung
quanh vương quốc Ver.
Tại đây có đầy đủ các loại chim muông, đất vàng màu mỡ, các sản
phẩm thu hoạch đầy ắp, trong tâm hồn những người trai trẻ còn
ngượng ngập là sự khiêm tốn và lòng kính trọng ngự trị, trẻ em khỏe
mạnh, hay ăn chóng lớn. Vương quốc đầy sức quyến rũ, sạch sẽ như
chốn trú ngụ của thiên thần, vô cùng đẹp đẽ và từ sự cao quý hương
thơm tỏa ngọt ngào. Cây cối um tùm, đầy rẫy hoa thơm quả lạ mọc lên
từ đất.
Chưa từng có những kẻ cai trị lập ra những đạo luật hà khắc giữa
các cư dân của vương quốc Ver; chưa từng có người ăn mày, kẻ lừa
đảo, không có kẻ thù rình rập trong bóng tối, không có những kẻ dùng
bạo lực hành hạ người khác, không có những hàm răng nghiến chặt.
Giữa con người với nhau không có sự khác biệt, đàn bà không đau đớn
sau khi sinh nở.
Và ở giữa đất nước, chín cây cầu được dựng lên, sáu cây lớn hơn
và ba cây nhỏ hơn. Trên đỉnh núi một lâu đài cao vút dựng lên, tường
thành vây xung quanh, lâu đài chia ra nhiều phòng, có nhiều cửa sổ
lớn”.
Trích dẫn thứ hai từ cuốn sách của Hénoch (còn gọi là Énok - một
nhà thông thái cổ được cho đã sống khoảng năm 8000 trước Công
nguyên, người viết về các nguyên nhân của nạn Hồng thủy đầu tiên của
nhân loại). Trích dẫn như sau: