này - triết gia tâm linh quá đỗi vĩ đại trong nền văn hóa Hungary. Ông
làm cho tôi có cảm giác, cứ đọc thêm một trang sách của ông là một
ngày mình ngập sâu thêm chút nữa trong thế giới của ánh sáng vũ trụ
huyền diệu, vì ông chỉ ngay ra cốt lõi của sự vật, hết sức nguyên thủy,
hết sức tất nhiên, như chính là nó, không thể khác được, như nhạc của
Beethoven đập ngay vào trực giác, khiến tôi biết ngay mình đang cảm
nhận cái gì”. Càng thấy dễ chia sẻ với Hồng Nhung sự “ngây ngất trong
cảm giác hạnh phúc” trước “thế giới của Hamvas ấm áp, thư giãn, tinh
khôi, giống hệt cảm giác chui vào chăn đệm mùa đông thơm tho sạch
sẽ, hứa hẹn một giấc ngủ ngon lành tự nó đến bằng đôi chân hay đôi
cánh của nó, ta chỉ việc mỉm cười, và từ từ thiếp đi...”, thì càng thấy
khó khi được dịch giả tin cậy giao cho việc viết đôi dòng giới thiệu bộ
sách khổng lồ này. Khó khăn thứ nhất, tất nhiên là rào cản ngôn ngữ
khi người giới thiệu không đọc được tiếng Hung từ trong nguyên bản.
Nhưng, sự chặt chẽ, trau chuốt của bản dịch cho ta sự yên tâm về chất
lượng của nó. Thế còn tác giả xa lạ, và nhất là nội dung phong phú,
phức tạp và quan trọng của tác phẩm? Quả là một thách thức không dễ
vượt qua đối với một người tự biết chỗ đứng khiêm tốn của mình,
không khác mấy với cảm nhận của chính dịch giả: “có thể khối tri thức
khổng lồ mà Hamvas đưa ra khiến mình đuổi theo không kịp những suy
nghĩ của ông, vì mỗi ý tưởng lại liên quan đến một khối lượng tri thức
khác, khiến mình phải dừng lại”.
Tuy nhiên, tôi vẫn mạnh dạn viết mấy lời này, bởi tin vào nhận xét
ngay sau đó của dịch giả sau khi đã phải “lật nhào cả đống từ điển mọi
kiểu lên tìm”: “Nhưng không có cảm giác bị tri thức đánh đố, bởi mọi
suy nghĩ của Hamvas hết sức sáng sủa và logic, và nhẹ nhàng, giản dị,
có thể lần theo dấu vết chỉ dẫn để tìm ra nguồn, hoặc dừng lại để ngẫm
nghĩ và hiểu ông định nói gì”. Bài viết sau đây cố lần theo “sợi chỉ
Arian” hay “vết lông ngỗng Mị Châu” như thế để tìm hiểu sơ qua về
tác giả và những vấn đề đặt ra trong tác phẩm, hiểu như “kí ức văn
hóa” và con đường giải cứu trước “khủng hoảng của thời đại”, trong sự
đối chiếu thật khái quát với các nhà tư tưởng đương đại có cùng một