1. Hamvas Béla (1897-1968): “Kì nhân dị
sĩ”
Tôi không tìm được cách gọi nào khác hơn khi tìm hiểu cuộc đời
và sự nghiệp sáng tác và biên khảo dị thường của Hamvas Béla. Một
bậc “kì nhân”, bởi, một cách âm thầm, ông tự trang bị cho mình một
kiến thức quảng bác và thâm sâu hiếm có về hàng chục ngôn ngữ và
nhiều nền văn hóa cổ đại. Một “dị sĩ”, bởi ông không chịu đầu hàng số
mệnh, kiên trì theo đuổi chí hướng và suy tư của mình đến cùng trong
nghịch cảnh cực kì khốc liệt của sự bạc đãi và bị cô lập. Một đấng
“trượng phu” với tâm hồn và cốt cách của “hiền nhân”!
Đến năm 17 tuổi, ông sống với gia đình tại vùng Bratislava (bấy
giờ còn thuộc Hungary), đi học và rồi tham gia Thế chiến I (1914-
1918) ở mặt trận Nga và Ukraine. Sau nhiều lần bị thương, ông được
giải ngũ, nhưng sau chiến tranh, cả gia đình bị trục xuất, vì cha ông -
sau hòa ước Trianon - không chịu tuyên thệ trung thành với Slovakia.
Gia đình dời về Budapest; ông học đại học, làm kí giả năm 1923, ở một
trong những tòa báo lớn nhất của Budapest. Từ 1927 đến 1948, ông
làm thủ thư của Thư viện thành phố. Nhưng, từ 1940, ông nhiều lần bị
động viên nhập ngũ. Ông tham chiến tại mặt trận Nga, đến năm 1944
khi cùng đơn vị chuyển sang Đức, ông đào ngũ về nhà. Tháng Giêng
1945, một quả bom rơi đúng ngôi nhà của Hamvas và phá hủy toàn bộ
thư viện gia đình cùng với vô số bản thảo của ông. Sau chiến tranh, ông
lại bắt tay vào việc, hăng say diễn thuyết, chuẩn bị công bố hàng loạt
tác phẩm, mong đợi sự hợp tác với Gyorgy Lukács vừa hồi hương từ
Liên Xô. Trái với mong đợi, G. Lukács - sẽ là nhà lãnh đạo văn hóa
quan trọng của chế độ mới và là nhà tư tưởng có ảnh hưởng mạnh mẽ