Vào thập niên 1920-1930, cùng với nhiều trí thức Tây phương,
ông chia sẻ sâu sắc cảm thức về sự “khủng hoảng hiện sinh” của con
người thời đại. Ngay trong những luận văn đầu tiên, ông nỗ lực tìm
hiểu và “lột từng lớp vỏ” của truyền thống văn minh Âu châu. Càng mở
rộng chân trời hồi cố, ông càng cảm nhận sâu hơn về những “tiền đề”
của nền văn hóa Âu châu. Khái niệm trung tâm của thế hệ bấy giờ là sự
“khủng hoảng”. Hamvas không dừng lại ở nỗ lực giải thích sự khủng
hoảng ấy về mặt lịch sử, mà đi tìm những nguồn cội “hiện sinh” của nó.
Trong tiếng Hi Lạp, “khủng hoảng” có nghĩa là “quyết định”, “chọn
lựa”, “phân li” và “xung đột”. Ông xuất phát từ cảm thức về sự phân li
và xa rời nguồn cội đồng thời cũng nuôi dưỡng niềm khát khao khắc
phục sự phân li ấy. Thuật ngữ yêu thích của ông là tìm về “tư thế căn
nguyên của con người” (status absolutus), qua đó hi vọng khám phá ra
sự nhất thể nguyên thủy.
Năm 1935, ông thành lập “Nhóm Đảo” ở Budapest, tập hợp nhiều
văn sĩ, thi sĩ và triết gia (kéo dài đến 1939) với mục đích bảo tồn di sản
và tinh thần văn minh Hi Lạp trước nguy cơ đen tối của chủ nghĩa phát
xít và cực hữu đang đe dọa truyền thống văn hóa Âu châu. Một thành
viên nổi tiếng quốc tế (lúc bấy giờ còn ở Hungary) của nhóm sau này là
Károly Kérényi, người đi tìm thước cho cái Hiện Đại từ cái Tối cổ.
Giống như Hamvas đang dịch Heraclit, Kérényi cũng mong muốn kết
hợp cái phổ quát với cái bộ phận. Cả hai công bố nhiều tập với nhan đề
Đảo, trong đó có nhiều luận văn của Hamvas, đặc biệt về các đề tài Hi
Lạp. Tinh thần của các vựng tập này khiến ta nhớ đến các Niên giám
Eranos ở Thụy Sĩ, cũng như NXB Antaios của Ernst Jünger sau này.
Còn bản thân Nhóm Đảo khiến nhớ đến Nhóm Georg, nhất là Nhóm
Chủ Nhật ở Budapest trước Thế chiến I, với các tên tuổi như Gyorgy
Lukács, Béla Belázs, Karl Mannheim, Arnold Hauser và Charles
Tolnay - phần lớn về sau phải lưu vong. Tuy nhiên, Nhóm Đảo bị cô
lập, không hình thành được một truyền thống lớn, do tình trạng nửa-
phong kiến của xã hội Hungary giữa hai cuộc Thế chiến đã ngăn trở
một sự phát triển tinh thần lành mạnh, cũng như do tình trạng ngặt