(* thành ngữ có ý châm chọc chỉ những người hình dung, cử chỉ,
không giống người như dáng vẻ giả bộ nghiêm trang, lịch sự thái quá ...)
Buôn bán đồ cổ không giống với những loại hình kinh doanh khác, có
đổi vật ra tiền được hay không, hoàn toàn dựa vào nhãn lực và kiến thức,
sau này phát giác ra bị mắc lừa, cũng đành ôm hận nhận phần thiệt thòi mà
thôi. Xét trên đạo lý này mà nói, trước mắt thật giả bất phân, sau này dù
thật dù giả biết được rồi cũng chỉ là "cánh tay gãy trong ống tay áo", ngã
ngựa rồi dậy không nổi, phải tranh thủ lúc còn sớm kiếm bãi nước trong
tránh lội nước đục. Ở Phan Gia Viên "lược giao hàng" có thể dễ bán, tôi lại
đeo Mô Kim phù, đồ trên tay tôi ai dám nói không phải là đồ thật? Nhưng
ra ngoài rồi, không có đồ thật thì đương nhiên là không ổn. Muốn bán được
"Lược giao hàng", ít nhất cũng cần có một hai món đồ thật để ngụy trang,
nếu không thì khó mà có chỗ đứng.
Đại Kim Nha nói: "Hai người các anh nghe tôi một lần, không phải
bảo chúng ta đi đổ đấu, mà là ra ngoài một chuyến, thu mua mấy món đồ
mới được đào lên rồi nói là Mô Kim Hiệu Úy chúng ta móc được, Đại Kim
Nha tôi nhận chi tiền vốn, cho dù bất kể kiếm được bao nhiêu tiền, anh đây
ba phần ăn một, thế nào? Hồ gia, Bàn gia hai người các anh đều là người
thẳng thắn, nói một câu xem, có được hay không, một lời quyết định đi!"
Tôi với Bàn Tử vốn là những kẻ không thích ngồi mát ăn bát vàng, ưa
lao đầu vào mấy nơi mạo hiểm, nghe con đường Đại Kim Nha vẽ ra như
vậy thấy cũng có lý, không thể không động tâm, vấn đề là đồ thật ngày nay
không dễ tìm, không móc ở mộ thì lấy đâu ra?
Vừa hay ở Quan Trung (Lưu vực Sông Vị ở tỉnh Thiểm Tây, Trung
Quốc) có một gã là Mã Lão Oa Tử, không lâu trước đây nhờ người bắn tin,
tuyên bố rằng mới lượm được bảo vật trên núi. Chúng tôi ngay cả Đại Kim
Nha cũng chưa từng gặp Mã lão Oa Tử, không biết tin này chính xác được
mấy phần.