khắp nơi đều có, chỉ là cách nông trường số 17 này quá xa, hơn nữa trung
đội trưởng cũng nhiều lần quán triệt với chúng tôi, không cho phép đi đến
gần phiến rừng già đó!
Tôi lúc đó có hỏi qua ông ấy: “Bên trong khu rừng nguyên sinh đó có
nguy hiểm gì vậy? Mùa đông trời giá rét đất đóng băng, gấu to gấu nhỏ
chui hết vào hang ngủ đông rồi, chỉ cần có cây súng trường trong tay, gặp
sói gặp hổ cũng chẳng có gì phải sợ cả.”
Từ trước đã có đám thợ săn người dân tộc Ngạc Luân Xuân qua lại
vùng sơn lâm thâm xứ này, cưỡi trên lưng hươu, lấy súng hoả mai cùng
cung tên làm vũ khí, bọn họ sử dụng kiểu súng lỗi thời, trước khi muốn bắn
phải nhồi thuốc súng vào nòng, vô cùng chậm chạp, lực sát thương cùng
tầm bắn cũng chỉ có hạn, gặp hổ báo hay gấu đều rất nguy hiểm. Nhưng
binh đoàn chúng tôi thì lại được trang bị toàn là súng trường bán tự động
K-56 (Trans: Súng trường tự động Kiểu 56, hay K-56, là loại súng trường
tiến công do Trung Quốc sản xuất dựa trên Súng trường tiến công
Kalashnikov AK-47 và AKM. Súng được sản xuất từ năm 1956 tại Nhà
máy sản xuất vũ khí số 66 của Trung Quốc), nhắm mắt cũng có thể hạ gục
được mục tiêu mình cần, đem ra đối phó với dã thú thì dư sức có thừa,
đừng nói là chó sói, chỉ có duy nhất một ngoại lệ, đó chính là heo rừng!
Bọn heo rừng trên Đại Hưng An Lĩnh vừa tinh ranh vừa chạy nhanh,
thường nói “không có gấu trên ngàn cân, chỉ có heo trên chục tạ”, bởi vì
heo rừng thường ngày hay cọ cọ da lên thân cây tùng, khắp người dính từng
lớp từng lớp nhựa cây dày thôi rồi, lâu năm tạo thành một bộ giáp vừa cứng
vừa chắc chắn, cho dù bị đạn súng trường bắn cũng rất khó toi mạng, thành
ra chỉ một hai người mà vào rừng gặp phải chúng thực sự rất nguy hiểm.
Bất quá tôi cũng chưa nghe thấy ai nói khu vực này có heo rừng cả, ở vùng
rừng sâu nước độc này, có cái gì lại khiến người từng vào ra chiến trường
khói lửa như trung đoàn trưởng phải sợ hãi kiêng dè?