Chương III
Về tự nhiên và sản vật của vương quốc Đàng Ngoài
Đ
ịa hình xứ Đàng Ngoài phần lớn thấp và bằng phẳng, không khác xứ
Hà Lan là mấy, nhất là những con kênh mương và hệ thống đê điều. Rừng
núi tạo thành biên giới của vương quốc ở các hướng tây, bắc và nam. Một
dòng sông đặc biệt lớn tưới tiêu cho vương quốc, sau đó chia thành nhiều
nhánh để đổ ra biển, các nhánh đều thuận tiện cho các thuyền nhỏ đi lại.
Trên sông có nhiều tàu thuyền ngược xuôi, làm lợi rất nhiều cho thương
nhân. Quả thực ở Đàng Ngoài không thấy trồng lúa mạch hay nho để làm
rượu vang. Lý do không phải do thiếu mưa bởi những giống này cần đất khô
hơn là đất ướt, mà bởi người Đàng Ngoài không mặn mà do thiếu hiểu biết
về ưu điểm của chúng nên không trồng. Thóc gạo tất nhiên là lương thực
chính của người xứ này; vương quốc Đàng Ngoài sản xuất một lượng lớn
loại lương thực này. Giá như cây lúa có thể phát triển nhờ mưa trong các
tháng Sáu và Bảy, chúng ta đã không phải trải qua những thời khắc buồn rầu
trong những trận đói khủng khiếp giết chết hàng triệu sinh linh trong hai
năm vừa qua.
Từ gạo, người ta cất được một loại đồ uống gọi là rượu. Tuy nhiên, thứ
rượu này còn kém xa loại rượu cốt. Chiếc cày và cách sử dụng của người
Đàng Ngoài học theo lối người Tàu, như được mô tả trong lịch sử Trung
Quốc. Họ đạp lúa bằng chân, trông thật điệu nghệ.
Các loại hoa quả Đàng Ngoài cũng ngon như tại nhiều xứ khác ở phương
Đông, riêng cam thì ngon hơn hẳn các loại cam mà tôi từng thử. Loại cây
mà Taverniere gọi là cọ thực ra là cây dừa, có cùi trắng và vị như quả hạnh
nhân. Giống cây này rất phổ biến ở Xiêm, nơi quả được ép để làm ra dầu.
Loại dầu này được các tàu buôn mang đi bán cho dân các nước lân cận để
thắp đèn. Nước dừa mát và dễ uống, nhưng nghe nói rất hại thần kinh. Quả
thật dừa là giống cây có lợi bậc nhất xứ Ấn Độ, dùng làm thực phẩm, quần
áo, chất đốt, xây dựng...