Trong các dịp lễ tết con nuôi đến thăm nom và tặng quà cho cha mẹ; luôn
sẵn sàng trong mọi công việc của gia đình; biếu cha mẹ quả ngọt và gạo mới
đầu mùa; xả thân vì cha mẹ, anh em, vợ, họ hàng gần nếu có ai đó qua đời
hay sắp qua đời. Con nuôi có nghĩa vụ thực hiện những việc này vài lần
trong năm bằng chi phí của bản thân họ... Đây là những nghĩa vụ của con
nuôi. Còn về phía cha mẹ nuôi, họ có trách nhiệm giúp con nuôi của mình
thăng tiến nếu như họ có điều kiện, bảo vệ và che chở cho con nuôi. Khi cha
mẹ nuôi qua đời con nuôi được hưởng thừa kế ngang với con út, có nghĩa vụ
để tang như để tang cha mẹ ruột của mình, dù bản thân cha mẹ mình vẫn còn
sống.
Phương thức nhận con nuôi như sau: người muốn được làm con nuôi đánh
tiếng với cha nuôi của mình. Nếu cha nuôi đồng ý thì sẽ có câu trả lời, sau
đó con nuôi mang theo một con lợn và hai vò rượu đến để trình diện cha
nuôi. Sau khi đã lạy bốn lạy và trả lời thỏa đáng một vài câu hỏi, người con
nuôi sẽ được chấp nhận chính thức.
Người nước ngoài cư trú hoặc buôn bán ở Đàng Ngoài thường sử dụng
phương thức nhận con nuôi này để tránh những phiền nhiễu và rắc rối mà
một số quan lại khó tính gây ra. Bản thân tôi cũng được nhận làm nghĩa tử
của một người về sau trở thành Thế tử kế vị, đồng thời còn được ban cho
một tấm thẻ có đóng triện của ông. Tôi thường xuyên biếu quà cho ông,
thường là những đồ lạ mắt, mỗi khi cập bến Đàng Ngoài. Dù là người rộng
lượng và luôn dành cho tôi sự ân sủng rộng rãi nhưng khi gặp rắc rối tôi
cũng chẳng cậy nhờ được gì nhiều từ phía ông. Vào lúc ông đang phát triển
mạnh cả về danh vọng và tiền tài thì bị chấn động tinh thần nặng đến mức bị
điên sau cái chết của ông nội. Vậy là tôi bơ vơ không người che chở giữa lúc
việc kinh doanh của tôi vô cùng bê bối. Về sau tôi được tin ông đã hồi phục
trí nhớ trở lại
.
Người dân ở các làng đa phần là những người giản dị, cả tin và mê tín.
Tương tự như các dân tộc khác, người Đàng Ngoài cũng có một đặc điểm
chung là tốt xấu hết sức rạch ròi.