Chương XI
Một số suy nghĩ về kiểu chính quyền độc đáo, luật pháp và
chính sách của người Đàng Ngoài
K
hông ai có thể phủ nhận thực tế rằng Đàng Ngoài là một dân tộc riêng
rẽ hoàn toàn với người Hán - Những người gọi cộng đồng láng giềng
phương Nam là Munto, nghĩa là man di, và vương quốc của họ là Gannam
(An Nam) bởi vị trí địa lý ở phía Nam. Người Đàng Ngoài có nhiều nét gần
gũi với cộng đồng người Ấn, ví như tục ăn trầu, nhuộm răng đen, đi chân đất
và ngón chân cái bên phải choãi ra như hiện nay vẫn còn thấy ở một số
người. Tuy nhiên, không rõ trước khi bị người Hán biến thành một tỉnh thì
việc cai trị ở đây được tổ chức thế nào bởi vào thời ấy họ chẳng có chữ viết
nên chẳng để lại sử sách gì. Vậy nên người đời sau viết về lịch sử của họ
giai đoạn cổ xưa với đầy hư cấu và phóng tác theo chủ quan của họ nên ít có
giá trị, phần nhiều là những câu chuyện hoang tưởng hơn là các văn bản
mang tính sử học. Cũng chẳng có nhiều thông tin chính xác về quan hệ của
vương quốc này với Trung Quốc - vốn làm cho người xứ này trở nên anh
dũng đến lạ thường, đến nỗi không chỉ cầm chân mà còn đánh bại được cả
các đội quân hùng mạnh của đế chế Trung Hoa để duy trì được nền độc lập
của họ qua nhiều thế hệ. Có thể là trong lúc mô tả lại lịch sử họ đã tô điểm
thêm cho các chiến công của mình để không bị coi là những người kém cỏi,
chứ bản thân sự nhút nhát của người Đàng Ngoài chẳng hợp lắm với những
chiến công vẻ vang đó.
Người Đàng Ngoài cho rằng họ đã dùng chữ Hán từ trước khi thành lập
triều đại Ding
mà theo các sử gia của họ chắc chắn không dưới 2.000 năm.
Nếu vậy thì tôi cho rằng xứ này đã từng bị người Hán chinh phục hoặc dân
tự nguyện theo người Hán bởi vì nghi lễ, luật pháp, phong tục, chữ viết của
người Tàu không thể cổ xưa đến thế cũng như không thể du nhập ngay một
lúc vào người Việt được (như cách họ nói). Giả định này của tôi phù hợp với
biên niên sử Trung Quốc cho rằng vào thời điểm nói trên đế chế Hán đang ở