- Nhưng bà đã không đến? - Thoại nhìn bà Lân đăm đăm với câu nói.
Bà cúi đầu nhìn vào đôi bàn tay dường như hơi run rẩy:
- Vâng, tôi đã không đến.
Thoại ngậm ngùi:
Ông đã hiểu ra sự chọn lựa của bà, hiểu ra quyết định của bà. Ông đã cố
đợi, thức suốt đêm để chờ đợi, cố bám víu vào một tia hy vọng mỏng manh,
ngày càng tan lụi dần khi trời về sáng.
Bà Lân nhắm mắt lại, mặt hằn lên sự đau khổ vô biên:
- Số phận là một trò đùa oái ăm, cay nghiệt để tôi trở thành con dâu nhà họ
Huỳnh.
Thoại nói trong hoài niệm:
- Bức tranh này là nỗi thống khổ của ông, khi bất lực để mất bà trong dòng
đời bấp bênh ấy.
Bà nhìn anh:
- Cậu có hận tôi không?
- Không. Thoại lắc đầu:
- Tại sao lại không? Trong khi tôi chính là người đã phụ bạc ông của cậu
với tình yêu tuổi trẻ, tôi đã gây ra cho ông biết bao đau khổ, đắng cay.
Thoại im lặng, rồi anh chậm rãi trả lời:
- Cháu không thể hận bà, vì ông cũng thế. Ông cũng không hề oán giận chi
bà.
- Sao cậu biết rõ điều đó?
- Điều đó được ông ghi trong quển nhật ký của mình.
- Nhật ký? - Bà Lân thầm thì.
- Vâng, ngày ông nằm trên giường bệnh, những ngày cuối cháu còn nhỏ
lắm, chỉ hơn mười tuổi một chút. Cháu rất yêu ông, nên thường lén ba mẹ,
nửa đêm vào phòng ông và nằm cạnh, cháu sợ Ông bỏ cháu mà ra đi.
Những khi mê sảng, ông đều gọi tên một người đàn bà. Điều đó cứ thôi
thúc cháu mãi mãi, sau này ông mất, khi lớn lên cháu luôn tìm kiếm từ
những bức tranh còn sót lại, những kỷ niệm riêng để mong hiểu được niềm
u uẩn của ông. Cháu đã tìm thấy những cuốn nhật ký của ông, và từ đó, qua
chuyến đi về Việt Nam, cháu đã tìm thấy bức tranh này.