Grimm, truyện cổ Andersen, Nghìn lẻ một đêm, Liêu trai chí dị cùng đủ
loại truyện cổ từ xưa tới nay để kể cho anh ta nghe.
Ban đầu cũng chỉ thỉnh thoảng những lúc trà dư tửu hậu. Chỉ có những
lúc như thế này, Tố Huy mới chân thành gọi tôi là Mộc cô nương. Hàn tiên
sinh và Tam nương dần dần cũng tham gia với chúng tôi, sau đó tôi lại phát
hiện, Vi Hổ đứng ở ngoài cửa cũng chăm chú lắng nghe mà ánh mắt cậu ta
nhìn tôi từ phòng bị, coi thường cũng dần trở nên ôn hòa.
Nói thật, sở dĩ tôi bằng lòng làm công việc kể chuyện này là vì rất
thích nét mặt của Nguyên Phi Bạch khi nghe kể, cái kiểu lắng nghe rất
chăm chú, ánh mắt nhìn tôi cũng dịu dàng hơn. Cho dù anh ta vẫn hay đưa
ra những vấn đề khiến tôi cười ngất, ví dụ như, vì sao cha mẹ người đẹp
ngủ trong rừng không sớm gả nàng đi, vì sao em gái của bảy chàng hoàng
tử thiên nga không viết ra để nói rõ với chồng nàng, vân vân, nhưng chí ít
anh ta đã không còn lạnh lùng, âm trầm khiến người khác không dám lại
gần như trước nữa.
Xuất phát từ bản năng làm mẹ, có khi tôi cũng ngẫm nghĩ rằng, nếu tôi
và Nguyên Phi Bạch sớm quen nhau, tôi có thể kể những câu chuyện cổ
tích đậm chất chân thiện mỹ này cho anh ta sớm hơn, trả lại anh ta một tuổi
thơ chân thật, hạnh phúc, thì phải chăng anh ta sẽ không lạnh lùng như bây
giờ mà vui vẻ hơn một chút?
Nguyên Phi Bạch nhận lấy bát canh rồi chậm rãi uống, tôi ngắm nghía
bức tranh kia, chỉ thấy một ao sen nở rộ, những hạt sương như ngọc đọng
trên lá biếc, không hổ danh tài tử nổi tiếng đương thời, quả nhiên là bút
pháp uyển chuyển, hoa lệ, ý vị thanh cao, anh ta dùng màu đậm để điểm
xuyết, cấu tứ tinh vi, thần khí phiêu nhiên.
Tôi không khỏi nhìn về phía Nguyên Phi Bạch, thực lòng khen: “Tam
gia vẽ đẹp quá.”