- Cháu đã làm gì mà có kẻ thù?
- Anh chưa làm gì, có thể là như vậy. Nhưng đám đồng nghiệp bồi bút
của anh thì đã góp phần làm chúng tôi khốn đốn. Tôi trông anh còn trẻ,
chắc chưa kịp gian manh đểu cáng nên bảo cho anh biết là chúng tôi không
hoan nghênh loại người như các anh.
- Ở đâu, ngành nghề nào thì cũng có người thế này, thế nọ, nếu chú
thấy cháu là người xấu thì cháu sẽ đi ngay cho khuất mắt...
- Thôi được, tôi tin anh. Nhưng nếu gặp ai khác thì đừng có xưng
mình là nhà báo. Không phải ai cũng dễ chấp nhận lời giải thích như tôi
đâu. Ta làm một chầu mời nước mời trầu nhé.
Ông Quang gạ chúng tôi nghe ông hát một làn điệu quan họ quen
thuộc: Khách đến chơi nhà. Mắt ông nhắm tịt lại, giọng vang, rền, nền,
nảy... như chính ông giới thiệu chứ tôi thì mù tịt, chỉ thấy trong lời hát một
cái gì đó rất não nề. (Trong Mối Chúa, tác giả ít chú ý đến tâm trạng của
nhân vật này khi hát, chỉ miêu tả bề ngoài của ông là chính). Xong tuần trà,
chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe ông kể về những gì đã diễn ra khi có cái
dự án nhà máy thép kia. Ông Quang như tìm được dịp hiếm hoi để trút bỏ
nỗi niềm nên ông hứa sẽ kể hết, không sót chi tiết nào. Nhưng để nói có
sách, mách có chứng, ông lục lọi lôi ra từ những bó giấy tờ nào là biên bản,
đơn từ, giấy gọi làm việc của chính quyền, thỏa thuận đền bù... bày ra trước
mặt chúng tôi.
Với một sự trịnh trọng hơi buồn cười, ông nghiêm trang thề: “Tôi là
Quang, một cựu quân nhân, tôi thề sẽ chỉ kể về những gì tai nghe, mắt
thấy”. Tôi suýt bật cười nhưng kìm lại được. Ông bắt đầu bằng lời ra lệnh:
Anh nghe đây!
- Anh nghe đây, sự thật một trăm phần trăm, mả cha đứa nào bịa. Khi
chúng tôi được thông báo có dự án nhà máy thép và biết hàng trăm héc ta