quyển vở? Không phải là đáng tiếc hay sao?
Mentin cũng hay đánh mất bút chì. Mẹ tôi thấy nó hỏi bút chì là rên rỉ:
— Trời ơi, tôi chán mua bút chì lắm rồi!
Tất nhiên tiết kiệm là rất tốt, tôi hiểu và cũng rất muốn tiết kiệm đấy
chứ. Nhưng mà tôi cũng chán ngấy sự tiết kiệm thái quá trong gia đình. Rồi
đến cả bà nội tôi lúc nào đến chơi cũng kêu tôi không biết tiết kiệm:
— Này cháu gái của bà, nhiều xu làm nên nghìn vạn đồng đấy. Nhiều
giọt nước tụ lại mà thành biển cả mênh mông…
Ông nội mua cho chúng tôi mỗi đứa một cái túi nhỏ rất đẹp để đựng tiền
tiết kiệm. Khi đưa cho chúng tôi, nội cũng lại làm một bài diễn thuyết.
— Các cháu đừng có bao giờ quên… Phải luôn luôn nhớ rằng “Nhiều
giọt nước tạo thành biển cả”. Hãy tiết kiệm, gom góp từng xu, cuối cùng
các cháu sẽ có món tiền lớn. Phải nhớ lời ông!
Ông nội tôi có thói quen khi nói với người dưới câu gì thường hay bắt
nhắc lại. Vừa đọc xong câu châm ngôn nội đã hỏi ngay:
— Như vậy nhiều giọt nước làm đầy cái gì nào?
— Thưa ông, đầy hồ ạ!
Nghe xong câu trả lời đúng, ông nội vừa lòng và chấm dứt bài diễn
thuyết.
Tôi thì thật tình đã chán ngấy đến tận cổ câu châm ngôn “nhiều giọt
nước làm nên biển cả” này lắm rồi. Trong gia đinh tôi câu cách ngôn này
ngày nào cũng được nhắc tới ít nhất là một lần…
Tết năm nay, ba mẹ tôi quyết định đón giao thừa ở nhà hàng cùng với
bạn bè của ba tôi. Chắc là lần đầu tiên đón năm mới ở Ankara cùng với
nhiều bạn cũ nên mới có chuyện đặc biệt thế, chứ mọi năm chúng tôi vẫn
đón giao thừa ở nhà riêng với đông đủ mọi người.
Các bác hàng xóm bạn ba tôi đã đi nhà hàng từ chập tối và giành chỗ cho
ba mẹ tôi. Không muốn phá thông lệ tốt đẹp hàng năm, ba mẹ tôi vẫn cho
đón giao thừa ở nhà, chỉ có điều gia đình tôi làm sớm hơn, từ lúc 10 giờ tối
kia. Chúng tôi đã ăn uống vui vẻ, chúc tụng lẫn nhau và mãi tới 11 giờ ba
mẹ và chị tôi mới đi đến nhà hàng. Chúng tôi ở nhà với ông bà nội. Bộ bốn
chúng tôi đã giải trí thật là tuyệt. Các trò chơi vui vẻ cũng được ông bà tôi