Ông có bảy người con, tất cả đều tinh thông thư pháp trong đó Vương Hiến
Chi là con út nhưng kiệt xuất hơn cả.
Hôm ấy Hi Chi trở về nhà, trông thấy Hiến Chi đang tập viết. Nét mặt
cậu ta rất chăm chú, cách cầm bút rất chính xác, đưa bút rắn rỏi, nhẹ nhàng.
Để thử con, Hi Chi lặng lẽ bước tới sau lưng cậu bé, rồi bất ngờ rút mạnh
cây bút lông trong tay cậu. Vậy mà cây bút không rời! Hi Chi mừng rỡ
nghĩ: “Con trai ta sau này chắc sẽ trở thành nhà thư pháp nổi tiếng”.
– Cha ơi, cha xem chữ con đẹp chưa?
Hi Chi âu yếm xoa đầu con:
– Ừ… ừ…, con còn phải tốn nhiều công sức nữa. Phải chú ý ngọn bút
sao cho khi viết ra nét thô mà không nặng nề, nét thanh mà không nhẹ
mềm, đuối sức…
Vâng lời cha, Hiến Chi miệt mài luyện tập. Mấy năm sau, thấy chữ mình
đã gần giống chữ cha, thì tự cho là khá lắm rồi!
Hôm ấy Hiến Chi viết chữ đại (
大),tự cảm thấy đẹp quá, bèn đắc ý khoe
với cha. Hi Chi không nói gì, cầm bút thêm vào một cái chấm dưới chữ đại,
đổi thành chữ thái (
太).
Hiến Chi liền đem chữ thái đó vào nhà trong khoe với mẹ là Hi thị. Hi thị
ngắm nghía hồi lâu, thấy chữ thái viết đúng quy cách, chỉnh tề nhưng nét
bút còn thiếu gân cốt, chưa đủ lực. Chỉ có cái chấm phía dưới là tinh thần,
hình dáng đều có đủ, công phu thật sâu dày, khiến cho cả chữ sống động
hẳn lên. Bà thầm nghĩ “thằng bé tuổi còn nhỏ, thế mà đã luyện được cái
chấm đó, thật đáng mừng”, bèn vui vẻ nói:
– Con ta học thư pháp ba năm, nhưng chỉ riêng cái chấm này là chẳng
khác gì cha!