đứa em. Nếu thằng em kia là đứa gian ác thì đã đành, nhưng trường hợp mà
anh này còn có chút tình người thì dù sự thể đưa đến chuyên phải giết nó,
cũng không thể có thái độ an nhiên như thế được. Chả lẽ cái anh chàng gầy
gò xanh mét kia là một loại người gian ác hiếm có ở trên cõi đời này vì
không còn chút nhân tính? Nhưng không hiểu tại sao Shôbê thấy khó lòng
xét đoán anh ta kiểu đó. Hay anh ta phạm tội vì chợt phát cuồng trong chốc
lát ? Không đâu, không đâu! Làm gì điên cuồng cho được khi mà cử chỉ,
ngôn ngữ của anh ta chẳng có gì là không ăn khớp với nhau. Anh chàng
này là loại người nào đây? Càng suy nghĩ về thái độ của Kisuke, Shôbê
càng thêm thắc mắc.
Được một lúc, không nhịn được nữa, Shôbê mới lên tiếng gọi:
-Này, Kisuke, mày nghĩ ngợi gì thế?
-Dạ!
Kisuke vừa đáp lời vừa dáo dác nhìn chung quanh như lo lắng mình đã thất
thố điều gì để bị công sai quở trách. Anh ta sửa lại kiểu ngồi cho ngay ngắn
rồi nhìn người giải tù như dò hỏi.
Shôbê chợt cảm thấy phải tìm ra lý do để biện minh tại sao tự dưng ông ta
lại đặt ra câu hỏi vốn chẳng dính líu gì đến phận sự của một người giải tù.
Lúc ấy ông mới lên tiếng:
-Không, câu tao vừa hỏi chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt đâu.Tao chỉ muốn biết
tâm trạng của một đứa bị đày ra ngoài đảo như mày thôi. Thuở giờ, tao đã
giải ra đảo không biết bao nhiêu là tù rồi. Mỗi đứa là mỗi hoàn cảnh thân
thế khác nhau nhưng hễ bị ra đảo là chẳng có ai vui. Tụi nó đứa nào cũng
than khóc thâu đêm với người bà con đi theo thuyền để tiễn chân. Thế
nhưng cứ dòm bộ điệu của mày thì thấy chuyện đày ra đảo chẳng làm mày
buồn khổ gì cả! Cho nên tao mới muốn hỏi thăm coi trong bụng mày đang
nghỉ ngợi gì thôi.
Kisuke mỉm cười đáp:
-Thầy lại có lòng quí hoá hỏi thăm, em xin cám ơn. Nghe thầy nói, em biết
được những người khác khi đi đày ra đảo ai nấy đều buồn khổ. Nỗi niềm đó
thì em đây cũng thông cảm được với họ. Thế nhưng trường hợp của họ là
những kẻ từng hưởng một cuộc đời sung sướng. Đất Kyôto rộng bao la, mà