đời tập thơ dịch "Vang Bóng"(Omokage, 1889) trong đó họ dịch thơ từ chữ
Hán, từ thơ Tây Phương (của Heinrich Heine và Goethe) cũng như một tiết
cổ văn trong Truyện Heike. Bài thơ của Goethe (1749-1832) nhan đề
"Khúc hát của nàng Mignon", một mỹ nhân bạc mệnh, thấy trong tiểu
thuyết mang tên "Thời học việc của Wilhelm Meister (Wilhelm Meistes
Lehrjahre), với hình thức 10/10 âm tiết khác với thể 5/7 truyền thống của
người Nhật. Trong đó còn có thơ trích từ Faust (1774-1831), kịch thơ gồm
hai tập của Goethe nói về cuộc đời hứng thú, đầy bi kịch trong tình yêu và
cũng như cuộc đổi chác giữa học giả Faust và ác quỉ. Ôgai đã dịch từ
nguyên văn tiếng Đức theo lời yêu cầu của Bộ Giáo Dục và hoàn tất năm
1913. Khi xuất bản, sách bán rất chạy và gây được tiếng vang lớn.
Khác với việc đeo đuổi lý tưởng nhân bản của Natsume Sôseki, Ôgai là một
nhà văn trí thức, đứng bên ngoài dòng suy tưởng đó và gắn bó với truyền
thống tôn quân trọng đạo nhiều hơn. Về bút pháp, ông rõ ràng, chính xác và
chi tiết như một nhà giải phẫu, có lẽ vì lý do nghề nghiệp. Ông được đánh
giá như một kiện tướng của phong trào dùng văn nói để viết tiểu thuyết,
đóng góp nhiều cho sự phát triển của tiếng Nhật hiện đại. Ông từng viết
kịch theo phong cách Âu Tây và đồng thời cũng yêu chuộng sân khấu cổ
điển Kabuki. Ngoài ra, Ôgai còn để lại dấu ấn trên phương pháp luận của
các nhà phê bình văn học thời Minh Trị. Trong lãnh vực này, theo Ivan
Morris, ông tỏ ra chịu ảnh hưởng mỹ học của triết gia duy lý Đức Karl
Eduard von Hartmann (1842-1906). Tuy không có nhiều độc giả và thu hút
đệ tử lúc sinh thời như Sôseki, Ôgai được lớp nhà văn có tiếng tăm đi sau
với văn phong khác nhau từ Tanizaki, Akutagawa, Kawabata đến Mishima
đồng tôn làm thầy trong lãnh vực văn chương.
*
Sau khi rời khỏi chức vị Tổng Cục Trưởng Cục Quân Y, Ôgai vẫn còn là
viện trưởng Viện Mỹ Thuật Đế Quốc và Viện Bảo Tàng Đế Quốc cho đến
lúc qua đời vào năm 1922, thọ 60 tuổi. Có điều lạ là khi chết, ông đã để lại
di chúc từ chối tất cả những vinh dự mà chức phận của ông có thể dành cho
và chỉ xin khắc đơn sơ trên mộ bia tên cúng cơm của mình (Mori Rintarô =
Sâm, Lâm Thái Lang) để được chết như một người thường dân xứ