MORI ÔGAI, NHÀ VĂN VÀ NHÀ TƯ TƯỞNG KHAI SÁNG - Trang 7

thời Minh Trị. "Ngỗng Trời" (Gan, 1911-1913) mô tả tâm lý và tình cảm
của một thiếu nữ, O-Tama (Ngọc), con gái nhà bán kẹo, thấy bản thân gặp
cảnh tù túng như lũ chim mình nuôi trong lồng khi cô phải lấy Suezô,
người làm nghề cho vay nặng lãi, ông chồng già mà mình không thương.
Okada, anh sinh viên trường thuốc hàng ngày đi đến trường qua dưới cửa
nhà cô trên con dốc mang cái tên định mệnh là... Muenzaka (Dốc Vô
Duyên) mới là người cô thầm yêu nhưng những run rủi của cuộc đời đã làm
họ không bao giờ được gần nhau. Ngay dịp may gặp gỡ cuối cùng trước khi
Okada sang Đức du học cũng bị tác giả (nhân vật xưng tôi trong truyện và
là bạn của Okada) vô tình phá đám. Trên đường về, Okada giận dữ ném
hòn đá nhỡ làm chết con ngỗng trời đang bơi trong hồ như thể giết mất một
tự do.
Ở giai đoạn sáng tác này, nói chung, đề tài của Ôgai rất phong phú.Tuy vậy,
nơi ông, không còn tìm đâu ra hình bóng con người tranh đấu cho tinh thần
khai sáng ngày xưa, có chăng là một thái độ "đứng bên lề" (bôkansha), "vui
chơi" (asobi) và "cam phận" (teinen). Thái độ nầy một phần cũng vì ở thế
đứng của ông giữa chốn quan trường, phải đau khổ chứng kiến thảm cảnh
của những nhà văn bị kết án "đại nghịch" bởi một nhà nước Minh Trị
phong kiến, và bị đem ra xử hình vì chủ trương và ý kiến của mình (1).
Nổi khổ ấy ông đã lần lượt trình bày trong các tác phẩm nối liền với nhau
như "Dường như thế đấy" (Kanoyôni, 1912) và "Dưới cái chùy" (Tsui-ikka,
1913). Trong đó, ông nói về Gojô Hidemaro, một thanh niên quí tộc từng đi
du học, hấp thụ được tính hợp lý của Tây phương (ví dụ như thuyết tiến hóa
của Darwin mà thời đó coi là "tư tưởng nguy hiểm"), đứng trước cái không
hợp lý của Nhật Bản (như thần thoại về nguồn gốc linh thiêng của các thiên
hoàng) đang được nhà nước thổi phồng, tìm ra sự mâu thuẫn giữa hai bên
nên đâm ra đau khổ. Kết cục, điều nói trên mang đến cho ông ý nghĩ là
đành phải chấp nhận những nguyên lý của tôn giáo, khoa học, triết học, vốn
không kiểm chứng được một cách cụ thể, như là những thực thể. Cái cách
nhìn sự vật "dường như thế đấy" (2) của ông xem một việc xảy ra như sự
thực mà không cần tìm bằng cớ về sự hiện hữu của nó. Ông thử tìm cách
dựa vào giả thuyết này để tiếp tục sống.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.