Năm mười hai tuổi, tôi đã cùng cha tôi leo lên cầu thang lớn của tòa
thị chính sau một buổi lễ nhà thờ ngày Chủ nhật. Chúng tôi tìm cửa ra
vào của thư viện thành phố. Trước đó chúng tôi chưa bao giờ bước
chân vào thư viện. Nên tôi thấy vui như mở hội. Hai cha con không
nghe thấy bất kỳ tiếng động nào đằng sau cánh cửa. Tuy thế, cha tôi
vẫn đẩy cửa. Bên trong còn im ắng hơn cả ở nhà thờ, sàn ván kêu kẽo
kẹt và nhất là cái mùi lạ thường, cũ kỹ này. Hai người đàn ông quan
sát chúng tôi tiến lại gần từ một quầy cao chắn lối vào các kệ sách.
Cha tôi để tôi nói: “Chúng tôi tới mượn sách.” Một trong hai người lập
tức hỏi lại: “Thế hai cha con muốn mượn sách gì?” Ở nhà, chúng tôi
không nghĩ là phải biết trước mình muốn mượn sách gì, phải có khả
năng kể nhan đề sách cũng trôi chảy như nhãn hiệu bánh bích quy.
Người ta chọn sách cho cha con tôi, truyện Colomba cho tôi, một cuốn
tiểu thuyết nhẹ nhàng của Maupassant cho cha tôi. Hai bố con đã
không quay lại thư viện. Có lẽ chính mẹ tôi đã đem sách đi trả, bị quá
hạn.
* * *
Cha tôi chở tôi đi học bằng xe đạp. Qua lại giữa hai bờ sông, dù trời
mưa hay nắng.
Có lẽ niềm tự hào lớn nhất đối với ông, hay thậm chí là lời biện
minh cho cuộc đời ông: là tôi đang thuộc về thế giới từng khinh miệt
ông.
Ông thường hát: Mái chèo xoay vần chúng ta.
Tôi nhớ đến một nhan đề sách Kinh nghiệm về những hạn chế.
Đoạn đầu làm cho tôi không có cảm hứng đọc, vấn đề chỉ xoay quanh
siêu hình học và văn chương.