mọi thứ xung quanh. Khi nhớ lại giờ phút ấy, tôi cứ tin là vẫn còn cứu
vãn được, nhưng đó là những lời nói để chứng tỏ rằng ông không bị
bệnh nặng, trong khi chỉ riêng nỗ lực bấu víu với thế giới này lại
chứng tỏ ông sắp lìa trần.
Sau đó thì cha tôi chẳng nói chuyện với tôi nữa. Ông vẫn nhận thức
được đầy đủ, quay ra tiêm khi bà xơ tới, trả lời có hay không khi mẹ
tôi hỏi xem ông có đau hay khát nước không. Thỉnh thoảng ông phản
kháng, cứ như thể đấy là bí quyết để khỏi bệnh, cái bí quyết bị từ chối
bởi ai không rõ, “giá mà ít ra tôi ăn được thì có tốt không”. Ông chẳng
còn đếm mình đã kiêng khem ăn uống được bao nhiêu ngày nữa. Mẹ
tôi nhắc đi nhắc lại “kiêng khem một chút thì có sao”. Thằng nhóc
chơi trong vườn. Tôi vừa trông chừng nó vừa cố đọc Les Mandarins
của Simone de Beauvoir. Tôi không tài nào đọc một cách nhập tâm
được, đến một trang nào đó của cuốn sách dày cộp này, cha tôi sẽ
không còn sống nữa. Khách hàng lúc nào cũng hỏi bệnh tình của ông.
Có lẽ họ muốn biết chính xác là bệnh gì, chứng nhồi máu cơ tim hay
bị say nắng, câu trả lời mập mờ của mẹ tôi càng gây hoài nghi, họ
tưởng chúng tôi muốn giấu họ điều gì. Đối với chúng tôi thì tên căn
bệnh chẳng còn quan trọng nữa.
Sáng Chủ nhật, tiếng hát lầm rầm đứt quãng làm tôi tỉnh giấc. Bí
tích xức dầu cuối cùng theo giáo lý Cơ Đốc. Chuyện khó coi nhất trần
đời, tôi vùi đầu vào gối. Mẹ tôi hẳn đã dậy sớm để đi đón tổng linh
mục ngay sau ca lễ nhà thờ đầu tiên.
Lúc sau, tôi lên xem cha tôi thế nào trong khi mẹ tôi phục vụ khách
hàng. Tôi thấy ông ngồi ở mép giường, đầu nghiêng, nhìn chằm chằm
vào cái ghế dựa bên cạnh giường một cách tuyệt vọng. Cánh tay duỗi
thẳng của ông đang cầm cái cốc không. Bàn tay ông run mạnh. Lúc ấy
tôi không hiểu ngay ra là ông muốn đặt cốc xuống ghế. Tôi nhìn bàn
tay ấy suốt những giây dài đằng đẵng, vẻ tuyệt vọng của ông. Cuối
cùng, tôi cầm lấy cái cốc rồi đỡ ông nằm xuống, nhấc chân ông lên
giường. “Tao tự làm được” hay “tao có phải trẻ con đâu”. Tôi đã dám