Khi lại gần giường lúc đi ngủ trưa, thằng bé hỏi: “Tại sao ông này
lại ngủ?”
Cứ phục vụ xong một lượt khách là mẹ tôi lại lên gác. Mỗi lúc
chuông reo, tôi lại gọi với từ dưới nhà lên như ngày xưa “có khách!”
để bà xuống phục vụ. Cha tôi chỉ uống nước, nhưng bệnh tình không
nặng thêm. Buổi tối, bác sĩ không nhắc đến bệnh viện nữa.
Ngày hôm sau, mỗi lần mẹ tôi hay tôi hỏi ông thấy trong người thế
nào ông lại thở dài bực bội hay lại kêu là hai hôm nay chẳng được ăn
gì. Ông bác sĩ theo thói quen không hề đùa lấy một lần khi nói rằng:
“Chỉ là quả rắm đánh lệch ấy mà.” Hình như mỗi lần trông thấy ông đi
xuống, tôi đều mong chờ được nghe thấy câu này hay bất cứ câu đùa
dí dỏm nào khác. Buổi tối, mẹ tôi thì thầm trong lúc mắt nhìn xuống
“mẹ không biết là sẽ thế nào đây”. Bà vẫn chưa khơi chuyện cha tôi có
thể qua đời. Từ hôm trước, hai mẹ con đã cùng ăn, cùng trông nom
thằng bé, mà không hề nhắc gì đến tình hình bệnh tật của cha. Tôi trả
lời “cứ để xem thế nào đã”. Lúc gần mười tám tuổi, thỉnh thoảng tôi
lại nghe bà buông một câu, “nếu có điều gì bất hạnh xảy ra với con...
con biết là phải làm gì rồi đấy”. Không cần thiết phải nói cụ thể là bất
hạnh nào, cả mẹ và con gái đều biết rõ như thế nghĩa là gì mà không
bao giờ phải nói ra miệng cái từ đó, có thai.
Trong đêm thứ Sáu rạng sáng ngày thứ Bảy, hơi thở của cha tôi sâu
hơn và như xé toạc lồng ngực. Sau đấy là tiếng òng ọc rất mạnh, tách
khỏi tiếng thở, không ngớt, nghe rõ tiếng. Thật sợ hãi vì chúng tôi
không biết là âm thanh ấy phát ra từ phổi hay đường ruột, cứ như toàn
bộ nội tạng bên trong cơ thể có sự giao tiếp với nhau. Bác sĩ tiêm cho
cha tôi liều thuốc an thần. Cha tôi đỡ hơn. Buổi chiều, tôi xếp quần áo
đã là vào trong tủ. Tôi tò mò lấy ra một miếng vải chéo màu hồng, trải
nơi mép giường. Bấy giờ cha tôi nhổm dậy để xem tôi làm, nói với tôi
bằng cái giọng mới mẻ của ông: “Mẹ con đã sửa lại cái này để phủ lên
tấm đệm của con đấy.” Cha tôi kéo chăn ra để chỉ cho tôi thấy tấm
đệm. Đây là lần đầu tiên kể từ lúc lên cơn cấp phát ông quan tâm đến