thường lệ. Lần này tôi sẽ dắt theo thằng cháu ngoại hai tuổi rưỡi của
ông bà.
Mẹ tôi chờ ở rào chắn nơi lối ra, bên ngoài choàng chiếc áo khoác
đặt may, bên trong là áo cánh trắng và một cái khăn chít trên đầu, sau
đám cưới của tôi bà không còn nhuộm tóc nữa. Thằng con tôi, chẳng
nói chẳng rằng, phờ phạc sau chuyến đi kéo dài bất tận, mặc mọi
người ôm hôn và cầm tay kéo đi. Trời bớt nóng. Mẹ tôi lúc nào cũng
đi những bước ngắn mà nhanh. Tự nhiên bà chậm lại và kêu lên, “có
đôi chân nhỏ bé đi cùng chúng ta, coi kìa!” Cha tôi chờ cả nhà trong
bếp. Tôi không thấy ông già đi. Mẹ tôi lưu ý là ông đã đi cắt tóc từ
hôm qua để đón thằng cháu ngoại. Cảnh tượng náo nhiệt, với những
lời cảm thán, những câu hỏi dành cho thằng bé mà chẳng đợi câu trả
lời, những lời trách móc của hai người, làm thằng bé tội nghiệp mệt
mỏi, sau cùng là sự hài lòng. Họ xem thằng bé về phe ai. Mẹ tôi dẫn
nó tới chỗ để những hộp kẹo. Cha tôi dẫn nó ra vườn xem dâu tây, cho
nó xem thỏ và vịt. Họ giằng lấy thằng cháu ngoại, quyết định mọi thứ,
cứ như thể tôi vẫn còn là một đứa con gái không có khả năng chăm
sóc một đứa trẻ. Tiếp nhận với thái độ hoài nghi những nguyên tắc về
mặt giáo dục mà tôi tin là cần thiết, ngủ trưa và không ăn đồ ngọt. Bốn
người chúng tôi ngồi ăn bên bàn kê sát cửa sổ, thằng nhóc ngồi trên
đùi tôi. Một buổi tối đẹp trời yên ả, một khoảnh khắc giống như sự
cứu chuộc.
Căn phòng cũ của tôi vẫn giữ hơi nóng ban ngày. Cha mẹ tôi kê một
cái giường nhỏ bên cạnh giường của tôi cho thằng bé. Tôi thức đến hai
giờ vì cố đọc sách. Vừa mới cắm phích thì dây tóc bóng đèn ngủ đã
đen lại, phát ra tia lửa, bóng điện liền tắt ngóm. Một chiếc đèn hình
cầu để trên bệ cẩm thạch, với con thỏ bằng đồng nằm ngay ngắn, chân
gập lại. Ngày xưa tôi thấy nó rất đẹp. Hẳn là nó bị hỏng từ lâu rồi.
Chúng tôi chẳng bao giờ sửa cái gì trong nhà cả, thờ ơ với mọi thứ.
* * *