nữa về biếu bà con cô bác lối xóm mỗi người một bộ quần áo mặc chơi.
Cám ơn cô hai, bên này mua…
Dì Tư ngồi xuống săm soi mấy đống vải để dưới đất, ý chừng dì cũng
thích mua một cái quần tây màu xanh nước biển cho thằng Mẫn nhưng dì
không biết nên chọn loại nào mặc cho bền. Còn Mẫn, nó không ngó ngàng
đến vải vóc, nó mê cái miệng của người bán hàng. Ông ta nói có pho có
phách, có nhịp có nhàng, nói như cái máy quay đều, nói không vấp váp.
Dì Tư hỏi:
- Con muốn thứ nào?
- Con ưng màu đen hơn là màu xanh.
Dì Tư cầm xấp vải lên săm soi một lúc rồi hỏi người bán hàng:
- Bao nhiêu đây chú?
Người bán hàng tuy miệng nói thao thao nhưng mắt anh ta không bỏ
lỡ bất cứ cử động nào của khách hàng. Anh ta đáp lời tức khắc:
- Dì Hai bên này mua một xấp vải quần tây. Dạ chỉ có bốn trăm đồng
một quần. Dạ đó là thứ hàng tốt lắm.
- Nhưng mà có bền không? Dì Tư hỏi.
Anh ta cười, bàn tay khoa khoa trong khoảng không và trả lời:
- Cái đó thì khỏi chê. Về may quần tha hồ mà bận. Bận la bận lết, bận
tới tết cũng còn bận.
Anh ta vừa nói vừa gấp xấp vải vô một tờ giấy báo cẩn thận trao cho
dì Tư. Dì Tư trả tiền xong liền đứng dậy. Mẫn nói:
- Ở lại coi ổng nói một chút nữa dì ơi. Ổng nói hay quá.
- Thôi, đi con! Không có gì mà coi, chẳng qua là nghề quảng cáo của
họ thôi.
Hai người vừa ra khỏi đám đông thì có tiếng la của Lý ở đằng trước.
Mẫn hoảng hốt kéo dì Tư chạy lại.
Phía ấy, một chiếc xe "jíp" sơn trắng của hai tên Mỹ vừa trờ tới cán nát
rổ đậu phộng nấu của Lý. Mẫn vạch đám đông nhảy vô. Nó hỏi:
- Gì vậy?
Lý đáp: