tiện lợi cho sự du kích của mình. Hai là làm cho dân cư ở những phố
phường trong các thành thị mất cả nhà cửa cơ nghiệp, rồi đói khổ điêu
đứng, chỉ có theo cộng sản là sống mà không theo là chết. Vì thế cho nên
có nơi họ phá hoại từ xưa tới nay chưa từng có bao giờ.
Khi việc chiến tranh đã bùng nổ ở Bắc Bộ, chúng tôi ở bên Quảng Châu
ai cũng ngơ ngác, không biết nghĩ sao. Một bên người Pháp cố tình muốn
lập lại chủ quyền như cũ, việc ấy dù muốn che đậy thế nào mặc lòng, người
ta đã trông thấy rõ khi quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng và Hà Nội. Một bên
là Việt Minh đã trải bao phen hứa hẹn giữ nền độc lập của nước nhà, không
lẽ lại bó tay chịu hàng phục người Pháp. Thành ra hai bên tuy có hội nghị ở
Ðà Lạt và ở Fontainebleau, nhưng kỳ thực là dùng mưu thuật để lừa nhau,
chứ không có cái gì là thành thực thì không sao tránh khỏi chuyện xung đột
được.
Trong cái tình thế ấy, những người ngay chính vì nước rất khó nghĩ. Việt
Minh thì chỉ muốn dùng cách áp chế để củng cố địa vị của mình. Ai theo họ
thì họ để yên, ai không theo họ thì bị bắt bớ, chém giết, mà theo họ thì
nhiều người không làm được những việc họ làm. Pháp thì dùng võ lực mà
đàn áp và dùng quyền mưu để lấy thắng lợi. Người Việt Nam ai đã có lòng
yêu nước thì không sao theo Pháp được, trừ ra một bọn xu danh trục lợi
không kể. Trong cái hoàn cảnh bối rối đau đớn ấy chúng tôi lại thấy những
nhà cách mạng ở bên Tàu như bọn ông Nguyễn Hải Thần tuy có lòng tốt,
nhưng không đủ tài năng mà cáng đáng việc lớn. Chúng tôi quay về mặt
nào cũng không thấy có phương pháp nào giúp được nước.
Một hôm vào khoảng cuối tháng giêng năm 1947, tức là mấy ngày trước
tết nguyên đán năm Ðinh Hợi, ông Bảo Ðại vào Quảng Châu, có gặp tôi nói
chuyện về việc nước nhà. Ông rất băn khoăn về việc bắc bộ. Tôi nói rằng:
"Tuy Việt Minh đã có nhiều điều lầm lỗi, nhưng nay họ đã đứng về phương
diện kháng chiến để dành độc lập, thì họ có cái thế danh chính ngôn thuận,
ai làm trái ngược lại là dân chúng không theo. Chúng ta đành phải để thời