Quân Pháp ở Bắc Bộ thì sẵn sàng tấn công cho nên mới có sự xung đột ở
Hải Phòng vào quãng cuối tháng một. Vì thế lực không đủ, lẽ tất nhiên là
quân Việt Minh thất bại phải lui ra ngoài Hải Phòng. Hai bên đều xuống
lệnh đình chiến, nhưng quân hai bên vẫn cứ đánh nhau.
Việc dai dẳng như thế đến mấy ngày, trước ngày 19 tháng chạp dương
lịch, thì người Pháp gửi tối hậu thư cho chính phủ Việt Minh bắt phải giao
sở công an cho họ, hẹn đến ngày 20 là hết hạn. Chính phủ Việt Minh biết là
không sao tránh khỏi sự tấn công của quân Pháp bèn mưu sự đánh trước
một ngày để mong được thắng lợi trong khi bất ngờ. Xem như vậy thì
người Pháp cũng có một phần khá lớn trong cái lỗi đã gây ra cuộc Pháp
Việt chiến tranh kéo dài cho đến ngày nay. Trước ngày 19 tháng chạp năm
1946, các yếu nhân trong chính phủ, quân chính quy Việt Minh đã rút ra
ngoài cả rồi, chỉ có các đội quân tự vệ ở lại để đánh phá và bắt người Pháp
và những người Việt Nam theo Pháp.
Quân tự vệ chống với quân Pháp trong thành Hà Nội được hai tháng mới
rút lui. Trong khi hai bên chống cự nhau phần thì quân Pháp bắn phá, nhà
cửa phố xá bị đốt rất nhiều. Những phố như hàng Hòm, hàng Thiếc v...v...
bị đốt phá gần hết. Những nhà nào chủ nhà bỏ chạy, thì quân Pháp vào lấy
đồ đạc, của cải, rồi sau lại cho bọn người Tàu vào cướp phá. Cái nhà của
tôi ở phố nhà Rượu cũng bị quân tự vệ đốt cháy. Thành ra bao nhiêu sách
vở của tôi, có lắm quyển rất cổ, rất quí, tích trữ trong mấy chục năm, đều
hóa ra tro tất. Tôi vẫn chưa hiểu vì lẽ gì mà họ đốt nhà tôi, hoặc là vì đốt
nhà bên cạnh mà cháy lây sang, hoặc là Việt Minh thấy tôi bỏ đi, họ giữ
không được, họ cho lệnh đốt nhà cho bõ tức.
Cái chiến lược của Việt Minh khi ấy là nếu chiến đấu thắng thì thôi,
không thì rút ra ngoài, rồi sẽ dùng phương sách du kích và tiêu thổ, nghĩa là
đốt phá hết sạch những nhà cửa dinh thự, chỉ để lại đám đất không.
Ðối với nghĩa quân Việt Minh thì cái phương sách thứ hai có hai chủ
đích: một là gây sự cản trở cho quân địch, đi đến đâu không có chỗ cư trú,