thoảng thấy những hàng dừa lưa thưa với những đàn trâu ở ruộng, hoặc ở
nơi ven rừng cây thì thấy năm bảy con trâu kéo gỗ.
Người Xiêm cùng một nòi giống với người Tàu, tiếng nói cũng hơi giống
nhau. Vì người Xiêm và người Tàu xưa kia ở mé tây tỉnh Vân Nam và mé
đông Tây Tạng, đã từng lập thành nước Nam Chiếu vào khoảng đệ thất đệ
bát thế kỷ. Sau vì người Tàu xâm lăng mới theo sông Cửu Long xuống
miền nam, lập ra các bộ lạc ở xứ Tàu và nước Xiêm ngày nay. Tính người
Xiêm cũng gần như người Tàu, đàn ông ưa hoạt động lắm, làm gì được đủ
ăn rồi thì thích chơi bời, cờ bạc chớ ít cố gắng làm lụng. Gần hầu hết dân
trong nước theo Phật giáo tiểu thặng như Cao Miên và Tàu.
Ở vùng thôn quê có nhiều người Xiêm gốc tích là người Việt Nam. Phần
nhiều theo đạo Gia Tô rồi, vì xưa bên ta có sự cấm đạo họ chạy sang bên
Xiêm. Ðã mấy đời nay lập thành làng thành ấp ở với nhau, giữ phong tục
của ta và vẫn nói trọ trẹ tiếng Việt Nam, họ tự xưng là An Nam cũ. Những
người Xiêm An Nam cũ ấy có đến ba bốn vạn ở rãi rác các miền gần biên
giới chớ không có mấy người ở kinh đô.
Hiện nay ở mé ngoại ô thành Băng Cốc có một khu gọi là làng Gia Long,
tức là chỗ chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn đánh chạy sang trú ngụ ở
đây. Chỗ ấy nay có cái chùa và có một pho tượng rất lớn để lộ thiên.
Vì chúng tôi sang Băng Cốc một cách bí mật, thường phải ở trong nhà ít
khi đi ra ngoài, nên chỉ biết qua loa thế thôi.
Chúng tôi ở Băng Cốc, bốn người ở một nhà đang vui vẻ, đến ngày
mùng 6 tháng hai thì xảy ra một việc không ngờ, làm chúng tôi lại phải
chạy vào bệnh viện nhà binh của Nhật. Số là ông Nguyễn Văn Sâm từ khi
người Nhật đem sang ở Băng Cốc, có tụ hợp những thiếu niên Việt Nam
chạy sang đó, lập thành một tổ chức tiểu công nghệ làm đinh để bán cho
nhà Ðại Nam công ty của người Nhật, lấy tiền chi dụng. Cái tiểu công nghệ
ấy đang tiến hành, thì có một thiếu niên Việt Nam tên là Tân, nhập tịch dân