Ðến Băng Cốc, tôi liền nhờ ông Sâm đi tìm hai người ấy để gặp nói
chuyện. Ðược mấy ngày, ông Sâm đưa tôi đến một tiệm trà gặp ông Vũ
Mẫn Kiến. Ông là người trạc ngoài 60 tuổi. Ngồi nói chuyện mới rõ ông
không phải là chủ đồn điền nhưng có thuê được mươi mẫu ruộng để vợ con
lần hồi làm ăn. Tôi trông ông Vũ Mẫn Kiến giống ông lão nhà quê ta. Ông
nói có theo ông Cường Ðể và ông Phan Bội Châu ra ngoài, rồi sau về Xiêm
tìm cách sinh nhai. Nói đến việc chính trị thì ông chẳng có ý kiến gì. Hỏi
tin ông Phạm Ðình Ðối thì nói ông ấy đi tu ở một chùa và nay đã mất rồi.
Vậy mà ở xa nghe nói, tưởng là các ông ấy có tổ chức, có thế lực, kỳ
thực chẳng có gì đáng kể. Cũng như là sau tôi thấy những người cách mệnh
Việt Nam ta ở bên Tàu, nghe tuyên truyền thì tưởng là họ có cơ sở chắc
chắn, lúc biết rõ sự thực, thật là buồn. Tôi kể câu chuyện ra đây cốt để
người ta biết rõ sự thực, đừng có nghe nhảm tin lầm. Mình là người một
nước hèn yếu, ra ngoài không biết nương tựa vào đâu, thành ra thường hay
bị cực khổ mà không làm được việc gì ra trò.
Thành Băng Cốc, xưa kia thường gọi là thành Vọng-Các là kinh đô của
nước Xiêm, một thành thị rất lớn, có thể lớn gấp năm gấp bảy lần Hà Nội,
dân cư rất trù mật có đủ các thứ người, nhưng phần nhiều là người Tàu ở
lâu đã nhập tịch nước Xiêm. Hạng người ấy rất hoạt động về đường kinh tế
và chính trị.
Trừ khu nhà vua, các cung điện làm theo lối cổ, nhà một tầng, mái dốc,
nóc nhọn, có các kiểu trang sức đặc biệt của Xiêm. Còn phố xá ở ngoài
thành nhà vua trông giống như thành Quảng Châu hay thành Thượng Hải
bên Tàu.
Cả nước Xiêm, hình như chỉ ở kinh đô là có sự sinh hoạt rất náo nhiệt mà
thôi, ngoài ra ở vùng thôn quê, theo dọc đường xe lửa đi từ Tân Gia Ba đến
Băng Cốc, không thấy có thành thị lớn nào cả. Ði đến đâu cũng thấy rặt
những đồng áng mênh mông cùng những ruộng vườn và rừng cây. Thỉnh