ngày tôi ra Hà Nội, người Nhật nói chuyện rất hòa nhã và có vẻ cung kính,
chứ không có điều gì trịch thượng hay gai ngạnh. Khi họ đã nhận lời trả lại
đất nam bộ, có hỏi tôi rằng: "Bao giờ cụ định vào nhận lấy đất nam bộ, hay
cụ định cho ai đi thay cụ". Tôi nghĩ trong cái việc khó khăn này, mình phải
đi mới được, và tôi nói: "Tôi về Huế vài ngày để tâu bày mọi việc với
hoàng thượng, rồi độ chừng ngày mùng 8 tháng tám là tôi đã ở Sài gòn rồi".
Tổng tư lệnh Nhật nói: "Cụ định vào thì hôm ấy tôi cũng vào, để xếp đặt
mọi chuyện cho chóng xong".
Tôi nói: "Cám ơn ngài. Ðược như thế thì có thể tránh được mọi sự khó
khăn lặt vặt".
Việc lấy lại toàn lãnh thổ Việt Nam như thế là quyết định xong. Tôi nói
đến việc lấy lại các công sở trước thuộc về chính phủ Ðông Dương toàn
quyền. Tổng tư lệnh Nhật nói việc ấy có nhiều sự phức tạp vì các công sở
ấy quan hệ đến các nước lân bang như Cao Miên và Ai Lao nữa.
Tôi nói: "Các ông đã đánh đổ các thuộc địa của Pháp, đã nhận cho Việt
Nam, Cao Miên và Ai Lao được tự chủ thì các công sở ấy theo lẽ tất nhiên
là phải trả lại cho các nước ấy. Còn sự giao thiệp về quyền lợi riêng của
mấy nước chúng tôi, sẽ theo tình thân thiện mà bàn với nhau".
Có một điều tôi nhất định đòi cho được, là phải bỏ chế độ phủ toàn
quyền cũ, mới hợp cái nghĩa tự chủ của ba nước trong xứ Ðông Dương.
Sau cuộc đàm phán hơn một ngày bàn về chi tiết việc giao trả lại chính
phủ Việt Nam hết thảy các công sở, như sở hỏa xa, sở công an, vì còn chiến
tranh, người Nhật xin để riêng mấy phòng cho họ hợp tác với người Việt
Nam. Tôi nghĩ: trong lúc đầu còn lắm sự khó khăn, ta phải tạm nhượng bộ
ít nhiều, để cho êm chuyện. Tôi ưng thuận. Còn ngày thu nhận các công sở
ấy định vào ngày 15 tháng tám mà bấy giờ là ngày mùng 2 tháng tám
dương lịch.