việc chúng tôi ra Hà Nội, tôi vừa nói xong, ông Trần Văn Chương bộ
trưởng ngoại giao nói: "Cụ ra Hà Nội lần này thành công là nhờ sự điều
đình của tôi, khi tôi ra Hà Nội lần trước". Tôi nghe lời ông Chương nói, rất
ngạc nhiên, vì lúc ấy tôi không nghĩ đến công cán gì cả. Lời ông Chương
nói tỏ ra cái ý tranh công. Ngày trước tôi vẫn thường nói với các bộ trưởng:
"Chúng ta cùng nhau hết lòng làm việc giúp nước, xin đừng ghen tị gì cả.
Nếu ai làm được việc gì ích lợi là công chung tất cả của chúng ta. Hễ tôi
làm không nổi và có ai sẵn lòng thay tôi, tôi xin nhường ngay". Sự tôi
muốn nhường đó, ông Chương biết rõ hơn mọi người khác.
Tôi đáp lại ông Chương: "Việc tôi nói đây để trình bày những việc đã
làm để nội các biết. Nếu có được một chút hiệu quả nhờ sự điều đình của
ông Chương khi trước, càng hay. Thế tỏ ra công chung của mọi người trong
nội các".
Sự thật sau khi ông Trần Văn Chương ra Hà Nội, có viên trung tướng
tham mưu trưởng của tư lệnh bộ Nhật ở Ðông Dương tôi đã gặp khi trước,
lúc mới ở Băng Cốc về Sài gòn, viên ấy ở Hà Nội trở vào nam, đi qua Huế
có viết cho tôi lá thư bằng tiếng Nhật, nhờ ông Yokohama dịch ra tiếng
Pháp đưa tận tay cho tôi. Ðại ý trong thư nói: "Việc ông bộ trưởng ngoại
giao ra Hà Nội không có kết quả, vì ông ấy không biết giao thiệp, làm mếch
lòng người Nhật". Tôi đưa thư ấy cho ông Hoàng Xuân Hãn và ông Phan
Anh xem, để rõ tình thực.
Xong việc ấy, nói đến việc đi vào Nam Bộ. Thấy ý kiến các ông bộ
trưởng phân vân. Ông Trần Ðình Nam, bộ trưởng bộ nội vụ, nói: "Nếu cụ đi
nam, ở Huế nếu có xẩy ra việc gì, không ai chịu trách nhiệm". Ông Hồ Tá
Khanh, bộ trưởng bộ kinh tế, đưa thư nói đại ý: "Phong trào Việt Minh
mạnh lắm, nội các Trần Trọng Kim nên thôi đi, để họ làm việc may ra họ
cứu được nước". Tôi nói: "Sự tôi thôi, thì tôi đã dự định rồi, nhưng để lấy
lại đất Nam Bộcho trọn công việc của mình, tôi thôi ngay".