sao họ cũng lo đến sự kiến thiết của nước nhà, nên chúng tôi mong ít có sự
phá hại.
Việt Minh đã lên cầm quyền, vua Bảo Ðại đã thoái vị, tôi ra ở nhà đã
thuê từ trước tại làng Vĩ Dạ gần Huế. Ðược mấy ngày, Việt Minh vào đưa
vua Bảo Ðại, bấy giờ gọi là công dân Vĩnh Thụy, ra làm Tối Cao Cố Vấn ở
Hà Nội để dễ quản thúc.
Sau thấy có người, hoặc vì tuyên truyền, hoặc vì không biết rõ sự thực
nói: Chính phủ Trần Trọng Kim là một chính phủ bù nhìn, ý nói là chúng
tôi ra làm việc để bọn Nhật sai khiến. Tôi dám cả tiếng bác lời nói đó.
Ngay từ lúc đầu, khi mới lập xong nội các, tôi đi với ông Hoàng Xuân
Hãn sang phòng làm việc của viên tối cao cố vấn Nhật, gặp ông Yokohama
để đòi lại dinh khâm sai, dinh khâm sứ cũ của Pháp, để làm dinh nội các
tổng trưởng. Ông Yokohama lúc đầu còn do dự và thấy những công chức
Nhật muốn cản trở. Tôi quả quyết nói: "Nếu các ông không trả chúng tôi
dinh ấy và các phòng làm việc của viên khâm sứ thì chúng tôi thôi ngay. Vì
không phải chúng tôi muốn ở dinh lớn, nhưng đó là biểu hiệu quyền tự chủ
của nước Việt Nam theo lời hứa hẹn của người Nhật sau cuộc đảo chính
ngày mùng 9 tháng ba. Những dinh thự ấy bây giờ là của Việt Nam". Ông
Yokohama thấy tôi nói thế, liền nhận lời trả ngay, và xin để riêng mấy
phòng trên lầu của phủ khâm sứ cũ cho nhân viên sở tối cao cố vấn làm
việc, vì ở ngoài phố không có nhà khác.
Từ đó về sau, khi có việc gì, tôi gọi điện thoại mời viên cố vấn sang bên
dinh nội các tổng trưởng nói chuyện chứ tôi không sang bên ấy. Việc ấy ở
Huế ai cũng biết.
Lúc đầu người Nhật có ý muốn đòi khi chính phủ Việt Nam có việc làm
gì quan hệ, phải hỏi trước viên tối cao cố vấn, có thuận mới được làm. Tôi
bác đi, viện lẽ việc nội trị là việc chúng tôi, lẽ nào lại phải xin phép rồi mới
được làm. Người Nhật đã đứng vào địa vị cố vấn, khi nào có việc hệ trọng,