và ngủ ở nhà tôi một đêm. Ðó thật là một việc bịa đặt, vì tôi không quen
biết người ấy bao giờ và cũng không bao giờ gặp y.
Hà Nội thường cũng có sự bắt bớ như thế, nhất là vào khoảng tháng
mười năm 1943 có mấy người đi làm với phái bộ Nhật Bản bị bắt, người
trong thành thị nôn nao cả lên. Lúc ấy người con gái ông Trác là bạn con
tôi ra Hà Nội để chữa mắt, có đến ở nhà tôi. Chợt đến ngày 25 tháng mười,
ông Nguyễn Trác ở Sài gòn ra, có đến thăm con tôi và gặp tôi trong một
chốc lát, nói chuyện qua loa vài câu, rồi ông nói vài hôm ông sẽ về Thanh
Hóa.
Ðộ ấy, cứ chiều chiều tôi đi đến phố Hàng Bông vào nhà in Bắc Thành
của ông Lê Thăng, chữa những sách in lại. Chữa xong những bản đập, ngồi
nói chuyện phiếm đến bẩy giờ, thì tôi lại đi bộ từ phố Hàng Bông về đến
Nhà Rượu với vài người bạn cùng đi một đường.
Chiều ngày 27 tháng mười, cũng như mọi ngày, tôi về đến đầu phố Nhà
Rượu thì thấy người nhà chạy tất tả đến nói rằng: "Không biết có việc gì
mà có mấy người Nhật bảo tôi đi tìm ông". Tôi nghĩ bụng: lại mấy người
mọi khi đến quấy rối chứ còn việc gì nữa. Tôi về đến nhà thì thấy mấy
người hiến binh Nhật với một người Nhật quen từ trước ngồi chờ. Họ thấy
tôi liền hỏi ngay rằng:
„Ông có biết ông Nguyễn Trác và ông Trần Văn Lai đã bị bắt từ lúc bốn
giờ rưỡi rồi không?“
„Tôi không biết.“
„Người Pháp sắp bắt ông đấy.“
„Bắt thì bắt, làm thế nào được.“
„Ông nên vào hiến binh Nhật mà lánh đi mấy ngày.“