Thôi đành theo số phận, tôi lên xe đi đến khách sạn của Nhật. Ðến năm
giờ chiều hôm ấy, thấy hiến binh Nhật đem ông Dương Bá Trạc cũng vào
đấy.
Ông Dương Bá Trạc là một nhà văn học, đỗ cử nhân từ thủa mới 16 tuổi,
vì tình nước mà bỏ không ra làm quan, theo ông Phan Bội Châu đi làm
cách mệnh, đã từng phải đày ra Côn Lôn và phải cưỡng bách lưu trú mấy
năm ở nam kỳ. Ông cùng với tôi là bạn làm bộ Việt Nam Tự Ðiển ở ban
văn học hội Khai Trí Tiến Ðức. Tôi trông thấy ông Dương, cười bảo: "Sao
bác lại vào đây?". Ông Dương nói: "Mình đi ra ngoài đường định lui về
quê, bị bọn hiến binh Nhật mời lên xe đưa vào đây. Nghe đâu ở ngoài phố
họ bắt lung tung cả, chưa biết rõ những ai".
Sau một lúc chuyện trò về tình cảnh của nhau, ông Dương nói: "Bây giờ
chúng ta lâm vào cảnh này thật là khó quá. Dù rồi ra chúng ta có về nhà
nữa, người Pháp cũng chẳng để yên. Chi bằng chúng ta nói với hiến binh
Nhật cho chúng ta ra ngoài để gặp ông Cường Ðể, ta sẽ bàn cách làm việc
gì có ích lợi cho tương lai nước nhà".
„Ông Cường Ðể thì chỉ có bác quen mà thôi, và nghe nói ông ấy đã ủy
quyền cho ông Ngô Ðình Diệm và Huỳnh Thúc Kháng tổ chức mọi việc,
tôi chạy theo ông ấy thì có ích gì?“
„Ông Cường Ðể là người chính phủ Nhật Bản đã giúp đỡ, ta ra cùng làm
việc với ông ấy, rồi xin cùng người Nhật cho cả ông Huỳnh Thúc Kháng và
ông Ngô Ðình Diệm ra nữa, ta sẽ lập thành một cơ quan ở hải ngoại, thu
thập hết thảy những nhà cách mệnh đã ở ngoài về một chổ thì sự hành động
của ta sẽ có ý nghĩa lắm. Chẳng hơn là cứ lẩn nấp ở trong nước, để cho
người Pháp chực bắt bớ.“
Tôi nghe ông Dương nói cũng bùi tai, liền bàn nhau viết thư xin người
Nhật giúp chúng tôi ra ngoài. Cách mấy hôm, viên thiếu tá hiến binh Nhật
ở Hà Nội đến thăm chúng tôi và nói: "Việc các ông xin ra ngoài là rất phải,