sở cung cấp đủ cả, không phải lo ngại gì". Ông Mão cũng đem đi độ bốn
năm ngàn. Tất cả đổi ra được hơn tám vạn quan kim tiền Tàu.
Chiều hôm mùng 2 tháng sáu năm 1946, bốn người chúng tôi lên chiếc
xe hơi của Quốc dân đảng đi đến phủ Lạng Thượng thì xe hỏng, phải cho
xe trở lại. Người sĩ quan Tàu gặp đoàn sáu chiếc xe vận tải của quân đội
Tàu, mới điều đình với quản đoàn xe ấy, cho tôi đi nhờ lên Lạng Sơn,
nhưng phải đợi chữa xong xe mới lên được. Chờ ở phủ Lạng Thượng mất
ba ngày ở khách sạn, đến ngày mùng 6 tháng sáu mới đi Lạng Sơn.
Thành Lạng Sơn bấy giờ thuộc quyền đội quân phục quốc đóng giữ mà
chung quanh thì bị quân Việt Minh bao vây. Ðội quân phục quốc do một
người thổ hào tên là Nông Quốc Long cai quản. Cả đội quân ấy độ vài trăm
người có đủ súng ống, nhưng không hòa hợp với các đội quân khác của
Quốc dân đảng.
Chúng tôi lên đến Lạng Sơn, nghe nói ông Nguyễn Hải Thần ở Nam
Kinh đã trở về đấy. Tôi tìm cách gặp ông ấy. Từ trước tôi chưa gặp ông ấy
bao giờ, chỉ biết ông và những người Quốc dân đảng khác theo quân Tàu
về nước, tuyên truyền huyên thuyên mà không thấy làm được việc gì ra trò.
Những người trong đám Phục quốc quân ở Lạng Sơn vì không có lương
thực cũng tìm cách lấy tiền chi dụng cho qua ngày. Tôi biết những người ấy
không làm nỗi việc gì, nhưng có những người đi theo ông Nguyễn Hải
Thần ở bên Tàu đã lâu quen biết nhiều người Tàu, tôi muốn gặp ông và rủ
ông đi lên Nam Kinh để gặp ông Bảo Ðại, vì lúc ấy mọi người đều yên chí
ông Bảo Ðại đã ở Nam Kinh rồi. Trước là để tụ họp hết các đảng phái làm
một cho có tính cách duy nhất trong việc hành động, sau là để khi làm việc
gì, có tổ chức chắc chắn, không đến nỗi rời rạc như mọi người đã trông
thấy.
Tôi gặp ông Nguyễn Hải Thần ở Lạng Sơn cùng với Vũ Kim Thành và
mấy người khác nữa. Ngồi nói chuyện qua loa rồi hẹn đến hôm sau sẽ nói
chuyện dài. Sáng hôm sau ông Nguyễn Hải Thần đến thăm tôi ở khách sạn.