„Nghe nói ông ấy đi từ Trùng Khánh đến Hương Cảng. Ông có thể làm
bức điện mời ông ấy về đây, để tôi gửi đi ngay thì chóng hơn.“
Tôi bảo Vũ Kim Thành thảo ngay bức điện tín đưa cho người thư ký ở
tổng bộ Quốc dân đảng gửi đi. Thế là bao nhiêu sự mong mỏi trong khi đi
khó nhọc vất vả dọc đường đến đó là tiêu tan tất cả.
Nam Kinh lúc đó chẳng có một người Việt Nam nào khác. May nhờ có
ông Ngô Thiết Thành cho người đưa giúp cho 500.000 bạc quốc tệ Tàu
(5.000 bạc Ðông Dương) mới có tiền ở chờ tin ông Bảo Ðại.
Thành Nam Kinh là một nơi thắng cảnh bên Tàu, vì là một thành đã từng
đặt làm kinh đô trong thời Lục Triều, tức là Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương,
Trần (222-420) rồi đến khoảng đầu thế kỷ XIV, nhà minh lúc đó mới dựng
nghiệp cũng lập kinh đô ở đó và xây thành bao bọc chung quanh dài đến
hơn 30 cây số. Thành ấy đến nay hãy còn nguyên, song những cung điện cũ
chẳng còn gì cả, chỉ thấy chỗ hoàng thành cũ còn một mẩu đá hình rồng,
người ta nói khi xưa đó là cái cầu trong các cung điện.
Trong thành có sông có núi, có nhiều chỗ là ruộng đất. Còn các dinh thự
và phố xá ở một khu cũng khá rộng. Song sự sinh hoạt và buôn bán không
được náo nhiệt như ở Thượng Hải hay ở Quảng Châu. phía đông bắc ngoài
thành có cái hồ Huyền Vỏ là một nơi đến mùa nực, người ta đi du ngoạn rất
tấp nập.
Những nơi cổ tích mà những thi nhân đời Ðường như Lý Thái Bạch, Lưu
Vũ Tích và Ðỗ Mục nói trong thơ văn là Phượng Hoàng Ðài, Bạch Lộ
Châu, Thạch Ðầu, Ô Ly Hạng, thì nay chỉ còn tên không, chứ không có di
tích gì nữa. Sông Tần Hoài chảy từ phía nam thành rồi vòng qua phía tây
trước khi chảy vào Trường Giang. Phía nam sông Tần Hoài có một nhánh
từ thành chảy ra. Phía hữu ngạn nhánh sông ấy có những phố xá cũ đông
đúc và dưới sông có nhiều thuyền chơi để những khách làng chơi đến đêm
đem những ca kỷ xuống hát xướng chơi bời.