của các ngân hàng phát triển thế giới hay khu vực chỉ có lợi khi dự án cũng
đã quá phức tạp và cần có một ông quan tòa ngồi chung bàn ăn chung bữa.
Ngân hàng Thế giới không có gì giống quan tòa nhưng họ được kính nể, và
nếu như có phe nào có ý đồ bất chánh trong dự án thì sẽ không dám công
khai.
Thẩm định dự án
Ngân hàng đóng một vai trò then chốt trong việc này. Vốn dĩ tính khả thi
của các dự án luôn luôn được nhà tư vấn của chủ đầu tư xem xét một cách
lỏng lẻo và lạc quan, vì người đề xướng dự án khó cưỡng lại mong ước
thành tựu. Khi đó ngân hàng sẽ giúp bạn nhìn dự án một cách khắt khe và bi
quan. Chính họ cũng phải thẩm định lại dự án với con mắt độc lập, vì chính
họ chứ không ai khác sẽ phải tài trợ và nhận lấy những rủi ro. Do đó, ngân
hàng sẽ đóng vai trò phản biện, ít nhất là một cách hoàn toàn vô tư, và chính
như thế mới giúp bạn tin tưởng vào tính khả thi thực sự.
Ngân hàng còn đóng vai trò soi sáng các thể thức tài trợ. Tại đây, tôi
cũng muốn có bình luận riêng về các thể thức tài trợ dự án chiếu theo kinh
nghiệm của bản thân.
Có một thể thức được bàn cãi rất nhiều là B.O.T., có nghĩa là Build (xây),
Own (sở hữu) và Transfer (chuyển giao). Một thể thức phong phú hơn là
B.O.O.T. có thêm một chữ O nghĩa là Operate (vận hành). Nói một cách thật
đơn giản, một nhà nước giao một dự án cho một chủ thể tư nhân, nhờ chủ
thể này xây dự án bằng nguồn tài trợ riêng của họ, sau đó để cho họ sở hữu
dự án trong một thời gian, rồi cuối cùng mới chuyển giao lại cho nhà nước.
Và nếu có cả vận hành thì nhà nước cũng trông cậy vào tư nhân, nhờ họ thúc
đẩy việc vận hành cho nền nếp, rồi chuyển giao lại một dự án đã xây xong,
đã mướn nhân viên và đã tổ chức nhân sự, và đã vào thời kỳ vận hành một
cách tốt đẹp. Nhà nước chỉ đóng vai “hái hoa đã nở rồi” thôi. Thông thường,
nhà nước cho phép tư nhân vận hành 20 hay 30 năm để họ gỡ lại vốn và hái
chút tiền lời. Ngược lại, sự tốn kém cho nhà nước rất ít.