bước vào bàn hội nghị với tâm trí của một người tích cực, cởi mở, xây dựng.
Bạn sẽ không cảm thấy “khớp” khi phải thương thuyết bằng tiếng mẹ đẻ của
kẻ khác ngay tại xứ của họ. Bạn sẽ không sợ hãi khi một mình thương thuyết
với cả phái đoàn ba bốn chục người. Bạn sẽ không còn lo lắng khi biết phải
đàm phán trực tiếp với những người chức vụ quan trọng. Bạn sẽ không ngần
ngại trình bày một vấn đề tế nhị có khả năng khiến đối tác nghĩ ngợi, nếu
không muốn nói là thất vọng. Bạn sẽ mạnh dạn nói rõ những gì phải nói
cũng như vẫn hiểu nghệ thuật của sự kín đáo. Bạn sẽ hiểu là hai đối tác ngồi
đối diện không nhất thiết cứ phải mang mâu thuẫn mà còn có những điểm
tương đồng, rằng họ phải rà soát tất cả cơ hội tốt có lợi cho đôi bên, rằng
trong một xã hội pháp quyền, bạn không có một cam kết gì với ai khi chưa
ký vào một văn bản. Và dù bạn có ký, chữ ký đó cũng chỉ là một sự nhìn
nhận của cá nhân bạn nếu bạn không có giấy ủy quyền chính thức của công
ty. Vậy bạn sợ gì, mong gì đều là ảo nếu chưa có văn bản hợp lệ, hợp pháp.
Nếu bạn hiểu được như vậy, cuốn sách này đã đạt được kết quả mong
muốn, đó là qua những mẩu chuyện, bạn hấp thụ được cái chính và cái phụ.
* * *
Tôi muốn mở đầu quyển sách bằng một câu chuyện ca dao được truyền
lại trong dân gian, người Việt nào cũng thuộc, đó là chuyện thằng Bờm có từ
xửa từ xưa. Trong mười câu thơ lục bát có đầy đủ những uẩn khúc của
thương thuyết. Phú Ông sắc sảo và thằng Bờm hồn nhiên là hai nhân vật đặc
sắc của nền văn hóa dân tộc Việt. Các bạn sẽ ngạc nhiên là trong văn hóa
của chúng ta đã có những “nhà thương thuyết” có tay nghề như vậy. Bạn sẽ
hãnh diện và tự hào trong dân gian có những “anh hùng của kinh doanh”. Và
nếu bạn cảm thấy rằng mình có khả năng của Phú Ông và cả của thằng Bờm,
tôi sẽ khẳng định ngay: bạn đã có sẵn kỹ năng thương thuyết bẩm sinh. Chúc
mừng bạn! Và nếu như thế thì bạn lại đọc sách này với niềm thích thú khác!