tiền mặt, khả năng đầu tư hoặc chỗ đứng độc quyền trong nước
hay trên thế giới…
Dù sao, doanh số cao vẫn cho phép công ty hợp nhất trở thành
công ty có sức lôi cuốn hơn trên thị trường, dễ thuyết phục khách
hàng hơn. Có một điều không thể chối cãi là trong những dự án
lớn, khách hàng an tâm hơn khi giao hợp đồng cho những công ty
có vốn lớn vì khả năng phá sản được xem như thấp hơn.
Tôi sẽ không kể đến rất nhiều trường hợp mua bán hay sáp nhập
do những công ty đang gặp nhiều rắc rối về vận hành. Những đối
tượng này rất thích sáp nhập, mua bán công ty. Làm vậy giúp họ
thay đổi lãnh địa vận hành, pha loãng kết quả cuối năm vào công
ty mới, xóa dấu vết của những lỗi lầm chiến lược hay vận hành
của công ty cũ. Việc thay đổi cùng một lúc tên của công ty, lĩnh
vực hoạt động, những con số tài chính, nhân sự, thậm chí cả
phương pháp làm việc cho phép một ông Chủ tịch hay Tổng Giám
đốc kéo dài được nhiệm kỳ của mình trước sự giám sát hài lòng
của Hội đồng Quản trị. Tất nhiên, rồi thị trường cũng khám phá sự
thật, nhưng ít ra việc mua công ty cũng có nghĩa mua thêm thì giờ
để giải quyết các vấn đề nan giải mà công ty đang gặp phải.
Những công ty nước ngoài có một lợi thế là khi tiền tệ của họ cao so với
đồng tiền Việt Nam (VND) thì họ nắm được cơ hội mua doanh nghiệp Việt
Nam rẻ hơn nữa. Sự kiện này rất thông thường với các công ty Nhật Bản,
nhất là vào những thập niên 1980 và 1990. Chính phủ Nhật Bản vào lúc đó
có chiến lược cứ lần lượt cho đồng Yên (JPY) lên giá 6 tháng rồi xuống giá
6 tháng. Khi đồng Yên thấp thì các công ty Nhật Bản được chỉ thị xuất khẩu
ồ ạt những sản phẩm của họ với giá rẻ giả tạo. Đến khi đồng Yên lên giá cao
thì họ dùng sức mua của đồng Yên để mua ồ ạt các công ty nước ngoài!
Thị trường Việt Nam có nhiều đặc trưng thu hút công ty nước ngoài: thị
trường mới, ít có công ty hùng hậu, dân đông, thị phần còn rẻ, đồng tiền rất
yếu và mỗi ngày một mất giá, lao động rẻ, nhân viên năng động và thông
minh, thêm vào đó các lãnh đạo công ty chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế…