và không nhìn thấy giá trị thật của nó. Cách nhìn chủ quan đó che lấp những
phương pháp quản lý lạc hậu so với tiêu chuẩn quốc tế, cách sử dụng người
phong kiến, cách dùng dòng tiền phân bổ bừa bãi, và nếu hỏi về tầm nhìn
tương lai xa thì họ không ngần ngại ví “con yêu” của mình như một Apple
hay Coca Cola, trong khi doanh số chỉ lên tới vài trăm hoặc vài ngàn tỷ
VND, chưa thể so sánh với một năm lương của một lãnh đạo công ty ngoại
nói trên. Đàm phán với những sáng lập viên đầy tự ái và sĩ diện (dù chính
đáng) là cả một nỗi khổ não khó lường được trước!
Thứ năm, đối với một số công ty Việt Nam có mặt trên thị trường chứng
khoán, giá trị của họ khách quan mà nói tính quá dễ, vì chỉ cần nhân giá cổ
phiếu trên thị trường với tổng số cổ phiếu của công ty. Nhưng giá khách
quan không phản ảnh giá thật của công ty do thị trường chứng khoán quá
nhỏ và hẹp hòi, có quá ít kịch sĩ, và tất nhiên dễ bị thao túng. Vậy ai biết đâu
là giá trị thật?
Thứ sáu, tại Việt Nam vẫn còn giữ văn hóa Á Đông, nên đôi khi trong
công ty vừa hợp nhất, người ta vẫn tôn ông cụ già sáng lập công ty bị mua
lên làm Chủ tịch. Điều này không vô lý nhưng phản khoa học và lý trí.
Thành thử ngay từ trên đỉnh công ty mới đã có sẵn mầm mống cho một tổ
chức lủng củng.
Tóm lại, nếu táo bạo muốn so sánh việc sáp nhập công ty với chuyện cưới
hỏi thì tình huống rất giống một chú rể đẹp trai, nhà giàu, học giỏi bị ép đi
hỏi một người con gái rất nghèo trong một gia cảnh đang sa thế nhưng lại
vừa đẹp vừa có duyên. Lấy thì không chắc là tốt, nhưng không lấy thì chắc
chắn sẽ mất hết cơ hội!
Thật lòng, bạn có thích thú gì khi phải đi đàm phán với mục tiêu bắt buộc
phải đạt được, và kẻ sắp bị mua tuy yếu nhưng vẫn mặc cả ra vẻ đứng tay
trên? Phe bị mua là người đẹp đấy bạn ạ. Mà điều khó nuốt là họ tưởng họ
đẹp lắm!
Thông thường một cuộc thương thuyết để sáp nhập công ty do chính Chủ
tịch hay Tổng Giám đốc công ty đích thân đảm nhiệm. Đây không phải cuộc
đàm phán với tính cách thương mại, thầu dự án, mà là chuyện giữa các cổ