Khỏi phải nói, bạn không nên dùng fax của khách sạn, máy photocopy,
hay bất cứ máy móc gì. Và nếu bạn có dùng iPhone hay smartphone chăng
nữa, bạn hãy đi ra ngoài, đừng ở trong phòng e có micro gài sẵn.
Riêng chúng tôi lại còn bảo mật kỹ càng hơn thế! Chúng tôi truyền tin cho
nhau bằng cách dùng tên lóng, dùng những dấu hiệu mà chỉ chúng tôi mới
hiểu. Khi đi đàm phán một dự án trên 1 tỷ euro, bạn không nên ngây thơ
nghĩ rằng không có ai theo dõi bạn để rút tỉa thông tin quý báu, vì chỉ trong
giây lát nó có thể lọt vào tay đối thủ.
13. Có sẵn những lý do để người nước ngoài và chúng ta mến
nhau thêm
Trong bài đã đăng trên Thời Báo Kinh Tế mà tôi kèm theo đây, tôi nhấn
mạnh việc phải chuẩn bị trước cuộc thương thuyết bằng cách tìm hiểu đối
tác và văn hóa của họ. Mỗi nước có những dấu ấn tô điểm cho sĩ diện của
mình. Khi bạn sắp gặp người Đức, Pháp hay Nhật, bạn sẽ làm cho họ rất vui
và tự hào nếu bạn biết những trang sử vinh quang của họ. Những trang sử
này không nhất thiết về quân sự mà có thể về văn hóa, hay bất cứ đề tài gì
khác. Còn nếu bạn biết thêm về ưu điểm của từng cá nhân trong đoàn bạn sẽ
gặp thì ôi thôi, họ sẽ quý bạn như vàng!
Thử nghĩ xem nếu một người Mỹ nói với bạn trước khi vào đàm phán
rằng họ rất thán phục cụ kỹ sư Hoàng Xuân Hãn, hay nhà thiên văn học
Trịnh Xuân Thuận, hoặc nhà toán học đạt giải Fields Ngô Bảo Châu, liệu
bạn có vui không? Và nếu ngay sau đó bạn nêu tên để tôn vinh Pierre và
Marie Curie với người Pháp, hoặc Alexander Fleming với người Anh thì tôi
tin chắc cuộc đàm phán của bạn đã có màu thân thiện. Và thành công không
còn xa!
NÓI CHUYỆN VỚI CÁC ÔNG TÂY BÀ TÀU
GS. Phan Văn Trường (TBKTSG)
Trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có rất nhiều dịp thương thuyết với
các công ty nước ngoài. Mua nhà máy điện hoặc metro thì phải nói chuyện