ghê gớm lắm, sung túc lắm. Thế là rất dễ mang tiếng giàu có bạn ạ. Sự sung
túc ngày xưa, vào những năm 50 của thế kỷ trước, thì chỉ có thế thôi.
Cha mẹ tôi tính tình luôn luôn đầy đặn, nên cứ ai mượn cái gì thì không
bao giờ đếm từng hạt, đo từng lon. Do đó hễ gặp những người ăn chịu như
bà hàng xóm nọ thì lại khó chịu, không cho thì sợ mang tiếng, mà nếu cho
thì ôi thôi, người vô liêm sỉ cũng nhan nhản ngoài xã hội, họ sẽ bảo nhau
kéo hàng đàn tới nhà và chìa tay xin.
Từ ngày đó, tôi mới hiểu được thế nào là gây áp lực cho người khác trong
cuộc sống. Trong trường hợp của gia đình tôi, điều đáng ngạc nhiên là người
ta xin mình hẳn hoi mà vẫn giữ tay trên, vì họ là người gây áp lực. Làm sao
mà vừa xin vừa gây áp lực là một bí mật cho tôi. Mãi về sau, tôi mới hiểu
rằng tình huống tùy thuộc rất nhiều về sự cảm nhận tâm lý. Gây mặc cảm là
sử dụng tâm lý. Tạo sự sợ hãi cho ai là một tác dụng tâm lý. Dồn một người
vào thế sợ mang tiếng cũng là một đòn tâm lý.
Đứa trẻ nhỏ là tôi hồi đó cứ ngỡ ngàng. Có ngờ đâu, chỉ 30 năm sau, tôi
chính lại là người bị xã hội chỉ định cầm cờ phất, bôn ba đi khắp mọi nơi,
buôn với bán. Rồi tình huống nọ thế cờ kia đã dần dần nặn ra con người của
tôi, mà bản chất vốn dễ tin người đến ngây thơ.
Phải thú thật với các bạn rằng cuộc đời đàm phán đã có nhiều phen làm
cho tôi lo sợ, mất ngủ nhiều đêm, thậm chí nhiều tháng trường. Có lúc người
tài xế của tôi thấy tôi xanh xao, ánh mắt như mất hồn phải thốt lên: “Trời, có
gì đâu cậu, cậu vào đi họp thay mặt cho công ty chứ có gì của cá nhân cậu
đâu mà trông cậu lo lắng thế? Cậu ạ, cậu mà cứ như thế này thì về lâu về dài
cậu sẽ không khỏe đâu. Con lo cho cậu lắm!”.
Mà nghĩ cho cùng, có gì mà mặt phải xanh xao, mắt phải thất thần, bụng
phải quặn thắt, trí phải đảo điên. Nhiều lúc tôi tự cười mình vì tất cả công
việc của tôi là đại diện cho công ty, tối ưu hóa công việc và đàm phán cho
khôn ngoan. Làm hết sức thôi chứ. Thế nhưng chỉ cười nhạt được một lúc,
rồi bụng lại se thắt, đến nỗi có khát nước thì họng cũng không nuốt được
một ngụm.