— Mà thày cháu cũng không kêu à?
— Nghe đâu có, nhưng người ta cứ bắt đi.
— Thày cháu oan lắm, bác ạ.
Bác Trưởng gật đầu:
— Nhiều người biết thế, nhưng đâu chính kẻ cướp xưng ra thày anh, và
lại có giấy má của chính tay thày anh viết nữa kia.
Tâm trừng trừng nhìn bác Trưởng, tỏ ý căm giận. Rồi dậm chân xuống
đất, Tâm nói:
— Thế thằng cướp đâu hở bác?
— Nó chết rồi. Hôm qua tuần làng đuổi được một thằng cướp, rồi đánh nó
đau quá. Khi sắp chết, nó mới thú thế.
Tâm lại xịu mặt, buồn bã:
— Không có lẽ nào, bác ạ. Thế này nhé, hôm qua, lúc cháu thi xong kỳ
vấn đáp rồi, cháu mới về nhà. Lúc ấy độ vào khoảng bốn giờ chiều, u cháu
còn ở chợ, mà thày cháu cũng đi ra đồng chưa về. Cháu ra để khoe các bài
với thày cháu thì cháu thấy thày cháu ngồi tựa vào gốc đa đống Rố, có dáng
mệt nhọc. Cháu hỏi thì thày cháu bảo đang lên cơn sốt. Cháu sờ đầu thày
cháu, thấy nóng quá. Cháu mới dắt trâu và nói với thày cháu về nhà. Đi
đường, thày cháu lao đao, lử đử, mấy lần suýt ngã. Nhưng may, về nhà được
bình yên. Thày cháu lủi thủi lên giường, kéo mấy cái chiếu ra đắp. Lúc u
cháu đi chợ về, mới luộc trứng đánh gió cho thày cháu.
— À, phải, tôi còn nhớ u anh mượn tôi đồng bạc đồng.
— Bác để cháu nói nốt cho bác nghe. Thế rồi thày cháu mãi không khỏi.
Thày cháu bỏ bữa cơm, cứ nằm rên, mà người nóng như hỏa lò than. Lúc
tối, ngoài ngõ có người gọi thày cháu, thày cháu không gượng dậy được, nên
u cháu phải nói dối là thày cháu đi vắng?
— À, hay là vì thế mà người ta nghi cho thày anh chăng?