nhẩy xổ vào nói đầu đuôi cho quan tòa nghe rồi.
Quan tòa nói:
— Những chứng cớ rành rành ra đó mà mày còn kêu oan, thì thế nào mới
là tội. Đây, giấy mày viết cho bọn cướp đây, còn bản của mày viết để so chữ
thì đây, hai thứ chữ giống nhau như lột.
Nói xong, ngài giơ cho mọi người xem tờ giấy.
Tâm giương to mắt để nhìn, ngạc nhiên quá. Các quan tòa thì thào.
Quan tòa nói:
— Mày không xưng thêm được người nào làm chứng thì tòa phạt mày rất
nặng.
— Bẩm lạy quan lớn xét cho, thực quả con không biết gì mà xưng cả. Con
đã khai thực là con ốm.
Khấp khởi mừng, Tâm thấy câu nói ấy vững chãi lắm, chắc thế nào tòa
cũng tha cho cha. Tâm đã tưởng tượng bao nỗi vui sướng khi cha con gặp
mặt, cả nhà ríu rít kể lể nỗi đau xưa.
Nhưng không để cha Tâm nói hết câu, quan tòa bảo:
— Mày là tên cướp rất gan, vậy tòa phạt mày năm năm tù và mười năm
biệt xứ.
Dứt lời, cha Tâm thổn thức khóc. Mẹ Tâm và Tâm choáng người, đều rú
lên những tiếng thất kinh. Cả tòa quay lại nhìn. Tâm như mê dại bâng
khuâng, không nghe, không trông thấy gì nữa.
Nhưng một người lính lại gần, đuổi mẹ con Tâm ra ngoài.
Mẹ Tâm dắt Tâm ra sân, đứng ở gốc cây bàng. Hai người cùng âm thầm
đau đớn, nhưng biết làm thế nào?
Chợt Tâm nghe tiếng cha gọi khe khẽ, hai mẹ con bèn nhìn trước nhìn
sau, rồi đứng sát cửa sổ để hỏi chuyện. Tâm thấy cha khốn khổ thì thương
quá, giàn giụa nước mắt. Cha Tâm nói: