được thấy ai đến chơi với ông cụ cả. Những điều mập mờ ấy, Tâm đành chịu
không biết, chẳng hỏi được ai.
Rồi hôm sau, Tâm không thấy cái Đĩ nó đến hầu hạ như mọi ngày nữa.
Tâm hỏi ông già thì ông bảo nó ốm.
Có một bận Tâm xin phép ông già đi chơi quanh làng, thì ông cười đáp:
— Ở đây xa làng, xung quanh đây là ruộng và núi rừng, có nhiều thú dữ
lắm, con chớ nên đi. Ở nhà thày nói chuyện cho mà nghe, có vui hơn không.
Tâm thơ thẩn ra bờ ao, ngồi gốc cây, thả cần câu xuống nước. Thế là Tâm
đành như mù như điếc. Cho nên Tâm càng không dám tỏ thực bụng mình
cho ông già biết. Trước mặt ông, Tâm vẫn cố làm vui vẻ hình như không hề
nhớ mẹ thương cha. Song, kỳ thực, Tâm vẫn cất kín đồng năm xu trong túi
thỉnh thoảng mới dám lấy ra nhìn, mà vì Tâm cầm đến luôn, nó trắng và
sáng quắc.
Một hôm, có một người gọi cổng:
— Ai trong nhà ra mà nhận thư.
Ông già chạy ra, Tâm cũng đi theo. Nhưng ông già xua tay, Tâm phải
đứng dừng lại.
Có tiếng nói vào:
— Cụ Bảy có nhà không? Có thư đây.
Tâm hiểu là người phu trạm và mừng nhất là biết tên ông già là cụ Bảy.
Ông già mở cổng ra để đón thư, Tâm nhận thấy có con đường rộng và hai ba
người đàn bà gánh hàng đi chợ.
Tâm đoán chắc đường này nhiều người qua lại lắm.
Ông già đóng cổng lại, rồi vào nhà xem thư. Đoạn ông rút trong ngăn kéo
bàn, lấy bút mực và giấy ra để viết.
Một ý hay nảy ra trong óc Tâm. Tâm định nhân lúc nào vắng cũng viết
một bức thư. Song gửi đưa ai? Vả biết đây là đâu mà nhắn đích chỗ?